TikToker Nờ Ô Nô miệt thị người nghèo: Mạnh tay bài trừ nội dung 'bẩn'
Chủ tài khoản TikTok Nờ Ô Nô bị cơ quan chức năng phạt 7,5 triệu đồng vì đăng các video có nội dụng miệt thị người nghèo, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Sự kệch cỡm gắn mác từ thiện
Những ngày qua, cộng đồng mạng “dậy sóng” trước clip “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó” (nằm trong series “Một ngày tử tế”) của TikToker Nờ Ô Nô. Theo đó, đoạn clip ghi lại TikToker Nờ Ô Nô đi giúp đỡ người nghèo, tặng đồ ăn cho người vô gia cư, nhưng lại sử dụng những lời lẽ được cho là miệt thị, xúc phạm danh dự người khác, như: "Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, "Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “Phở nó rẻ vậy mà không có tiền mua ăn nữa hả” hay “Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”…
Cách hành xử thiếu chuẩn mực này của TikToker Nờ Ô Nô đã khiến nhiều người dùng mạng xã hội bức xúc, phẫn nộ, kêu gọi “tẩy chay”. “Những người của thế hệ trước dù không cùng huyết thống, không có công sinh thành dưỡng dục nhưng họ cũng có công góp phần xây dựng môi trường sống cho thế hệ sau”, người dùng Nhân Phương Nam chia sẻ; “Bây giờ nhiều bạn Tiktoker bất chấp nội dung để câu view, sợ hãi và hoang mang về đạo đức xuống cấp của một bộ phận giới trẻ thật sự!”, người dùng Hoa Lê bức xúc; “Đã xem hết clip và những câu sau còn khó nghe hơn những câu trước. Sao lại có nhiều người theo dõi và có cả tích xanh vậy chứ!”, người dùng Thanh Hoa cho hay. Bên cạnh đó, nhiều người đã bày tỏ sự bất bình, yêu cầu nền tảng mạng xã hội TikTok phải kiểm duyệt nội dung gắt gao hơn vì có thể ảnh hưởng đến các người dùng nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ủng hộ cơ quan chức năng mạnh tay dọn dẹp các nội dung "xấu, độc" và "rác" trên mạng xã hội.
Giữa làn sóng “tẩy chay” từ cộng đồng mạng, nam TikToker đã livestream (phát trực tiếp – PV), phân trần rằng những lời lẽ trong clip không nói trước mặt cụ bà mà về nhà mới lồng tiếng vào. Tuy nhiên, lời giải thích của Nờ Ô Nô không thuyết phục được dân mạng. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên TikToker này khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì những nội dung "bẩn" nhằm mục đích câu view. Trước đó, người này từng bị nhiều quán ăn dán hình "miễn tiếp" trước cửa vì loạt video review thiếu thiện chí.
Trước phản ánh của dư luận, phía TikTok hôm 28/11 xác nhận đã khóa tài khoản vĩnh viễn của Nờ Ô Nô, và khẳng định không khoan nhượng trước bất kỳ nội dung hay hành vi nào vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng. "Chúng tôi đã khóa tài khoản của người dùng @tuanbrice (hay còn được biết tới với tên gọi “Nờ Ô Nô” - tên thật Phạm Đức Tuấn) vĩnh viễn vì những nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng mà người dùng này đăng tải", đại diện TikTok cho hay. Đồng thời, phía TikTok cũng nhấn mạnh: "Xây dựng và duy trì môi trường nền tảng chân thực, an toàn, hướng tới cộng đồng là một trong những cam kết và ưu tiên hàng đầu của TikTok. Chúng tôi luôn tôn trọng và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo của người dùng, song giữ vững lập trường đề cao tính an toàn của cộng đồng và nền tảng".
Cho đến chiều 28/11, khi chúng tôi truy cập vào tài khoản của Nờ Ô Nô với hơn 600.000 lượt theo dõi trên TikTok, thì nhận được thông báo: "Tài khoản này đã bị cấm". Nhiều cư dân mạng đồng tình việc Nờ Ô Nô "bay màu" vĩnh viễn, cho rằng đây là cái giá phải trả cho những phát ngôn thiếu chuẩn mực và là hồi chuông cảnh báo cho những nhà sáng tạo nội dung bất chấp dư luận để câu view.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc đoạn video của Nờ Ô Nô có lời lẽ phản cảm, xúc phạm nhưng vẫn lọt top thịnh hành trên TikTok hơn 1 ngày, đạt tới 4,6 triệu lượt xem mà không có sự can thiệp từ đội kiểm soát nội dung của TikTok, phía TikTok chưa đưa ra câu trả lời. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok có thực sự hiệu quả hay việc xóa tài khoản của Nờ Ô Nô chỉ là một giải pháp tạm thời từ phía TikTok Việt Nam nhằm xoa dịu sự việc.
Liên quan tới vụ việc trên, chiều 29/11, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM phối hợp Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Tp.HCM làm việc với Phạm Đức Tuấn (chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô) về việc đăng tải video clip "Một ngày tử tế của Nô, Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó" có nội dung không tôn trọng người già neo đơn.
Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thọ - chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết qua buổi làm việc, Tuấn có thái độ hợp tác và đã thừa nhận toàn bộ hành vi đăng tải loạt video clip có nội dung không tôn trọng người già neo đơn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tuấn về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc với mức phạt tiền 7,5 triệu đồng. Đồng thời buộc nam TikToker này cam kết không tái phạm.
Cần mạnh tay xử lý
Thực tế, vụ việc của Tiktoker Nờ Ô Nô không phải là trường hợp cá biệt, mà lâu nay việc từ thiện vẫn gây nhiều tranh luận trái chiều trên mạng xã hội về ranh giới tốt - xấu trong cách hành xử của người đi làm từ thiện. Đó là một ranh giới mong manh. Một "cách cho" hợp tình, hợp lý sẽ tăng thêm giá trị của món đồ trao đi và ngược lại.
Lâu nay, từ thiện còn được cho là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với những người nghèo, họ có lẽ sẽ hiếm khi phàn nàn của "của cho", nhưng những hành động từ thiện với chiều hướng “đánh bóng” tên tuổi hay có những lời lẽ không phù hợp thì không hiếm. Trên các diễn đàn mạng xã hội còn từng xuất hiện một số trường hợp làm từ thiện bị “tố” để phục vụ mục đích cá nhân và không thật sự vì người nghèo, thậm chí có khi còn mắng người nghèo.
Tỏ ra bất bình với cách hành xử của TikToker Nờ Ô Nô nói riêng và một số TikToker làm clip "câu view", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) cho rằng: "Người bình thường khó có ai có thể chấp nhận và nói rằng đây là thứ nên làm chứ chưa nói đến người làm truyền thông như tôi. Hiển nhiên đây là một thứ rất không nên làm và không được quyền làm dưới bất cứ hình thức nào, vì bất cứ lý do gì”.
Ông Nguyễn Ngọc Long cũng bày tỏ, bản thân thấy rất mừng trước làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, nhất là các bạn trẻ Gen Z khi đã có bản lĩnh tẩy chay nội dung xấu độc trên mạng xã hội. “Theo quan sát của tôi thì cộng đồng mạng đã lên tiếng mạnh mẽ để tẩy chay những nội dung này, yêu cầu chủ những clip - những bạn TikToker 'câu view bẩn' này phải gỡ video và lên tiếng xin lỗi các nhân vật trong clip cũng như xin lỗi cộng đồng, đồng thời yêu cầu không bao giờ được tiếp tục hành vi bất chấp để 'câu view, câu like' như vậy. Tôi cho rằng đó là một tín hiệu đáng mừng”, vị chuyên gia nhận định.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, nếu chúng ta không lên án những clip phản cảm, các nhãn hàng không mạnh tay để ngưng hợp tác với những 'TikToker bẩn' thì một số người sẽ ngộ nhận đây là một cách tốt để “câu like, câu view, câu follow” để kiếm tiền.
Đối với vấn đề từ thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, PGS Nguyễn Thị Xuân Thu từng phát biểu: “Làm từ thiện cũng phải có văn hóa, văn hóa từ thiện, đừng mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay phô trương đạo đức… Của cho không bằng cách cho, cả văn hóa cho nhận cũng cần phải học, cho làm sao để người nhận không bị cảm giác băn ơn, bố thí, nhận làm sao để người cho cảm thấy vui và hạnh phúc. Các cụ ta có câu “làm ơn, nhớ chịu ơn, chớ nên quên” là vậy”.