Tiểu thuyết dã sử 'gọi vốn' thành công
Thời gian gần đây, dường như các tác giả trẻ yêu sử Việt đã tìm ra một con đường để biến các tác phẩm của mình trở thành tựa sách bán chạy hàng đầu trên thị trường. Đó là gọi vốn xuất bản, hay còn gọi là 'gây quỹ cộng đồng'.
Mỗi cuốn sách là một dự án
Gần đây, tác phẩm về đề tài lịch sử mang tên Hỏa Dực của tác giả trẻ Thành Châu đã lọt danh sách 30 tác phẩm giả tưởng bán chạy nhất trên sàn Tiki, ngay sau khi phát hành chưa đến mười ngày.
Tác phẩm lấy bối cảnh những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, có cốt truyện hấp dẫn và văn phong trau chuốt. Tuy nhiên đây mới chỉ là tác phẩm đầu tay của Thành Châu – cây viết trẻ thuộc thế hệ 9X.
Trước đây, việc một tác phẩm cổ phong, dã sử Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng về độ thu hút đối với các tác phẩm lớn “ngoại nhập” như Harry Potter là điều hiếm gặp. Thế nhưng, trên thị trường sách đã có cuộc cạnh tranh âm thầm nhưng hiệu quả. Bí quyết của các tác giả trẻ thế hệ 9X nằm ở một điều đơn giản: Họ biến cuốn sách của mình thành một dự án cộng đồng.
Xu hướng tự xin giấy phép và tự đầu tư xuất bản, phát hành không còn quá xa lạ với nhiều tác giả Việt. Rủi ro của hình thức này là tác giả phải đơn thương độc mã trong tất cả các khâu từ thai nghén tác phẩm cho đến đặt cuốn sách lên tay bạn đọc. Tuy nhiên, nếu thành công, giá trị thu được sẽ lớn hơn nhiều so với việc gửi gắm đứa con tinh thần qua một đơn vị phát hành.
Nhưng các tác giả đã biến rủi ro thành cơ hội. Để tránh tình trạng không tìm thấy bạn đồng hành, họ tự đi tìm người biên tập, minh họa. Và suốt quá trình sáng tác, họ lập thành một nhóm hoạch định dự án. Thực hiện khâu quảng bá dự án ngay từ khi tác phẩm chưa thành hình.
Đối với một số tác giả trẻ, khi nhận thấy dự án có độ thu hút, họ lập tức kêu gọi vốn để xuất bản. Mỗi độc giả góp một phần nhỏ vào kinh phí in ấn phát hành tác phẩm.
Quá trình gọi vốn tình cờ trở thành một chiến dịch quảng bá tự nhiên, lan tỏa thương hiệu của tác phẩm. Thay vì đợi đến khi ra đời mới quảng cáo, thì cách làm này đã khiến tác phẩm hiện diện trong tâm trí độc giả từ rất sớm.
Sáng tác từ năm 2018, trải qua nhiều công đoạn khá phức tạp của một dự án sách, đến nay tác giả Thành Châu đã có thể yên tâm gặt hái thành công.
Anh cho biết: “Thời điểm sau khi viết xong, tôi mới có ý tưởng sẽ làm tranh minh họa và gây quỹ cộng đồng cho phiên bản bìa cứng đặc biệt. Suốt thời gian thực hiện dự án, chúng tôi làm song song phát triển trang mạng Sử Văn Các để quảng bá sách. Tuy lựa chọn hình thức gây quỹ cộng đồng để chủ động mọi công đoạn nhưng tôi vẫn kết hợp với công ty sách để thực hiện bản thương mại bìa mềm. Nhờ vậy hai phiên bản đã gây hiệu ứng tốt lên nhau”.
Bản mềm thương mại, của tác phẩm Hỏa Dực đồng thời được phát hành qua Công ty sách Đinh Tỵ. Việc sở hữu một diện mạo đẹp đẽ, với chiến lược lan tỏa hợp lý, Hỏa Dực lập tức trở thành một hiện tượng xuất bản, nhưng không làm tác giả quá bất ngờ. Đây có thể là một điển hình về công thức thành công cho các tác giả đang ấp ủ đứa con tinh thần?
Thành công nhờ giá trị tự thân và quảng bá sớm
Hình thức gây quỹ xuất bản trở nên phổ biến từ dự án “Long thần tướng” của nhóm Phong Dương Comics. Năm 2014, họ kêu gọi cộng đồng góp vốn xuất bản bộ truyện tranh lịch sử “Long thần tướng”. Và sau thành công rực rỡ của dự án này, trang Comicola được thành lập với mục tiêu giúp các tác giả Việt kêu gọi vốn.
Khó khăn nhất của việc kêu gọi vốn, như tác giả Thành Châu chia sẻ, là phải vượt qua được sự “ngại ngùng” khi đi “xin tiền” độc giả. Ngại ngùng về chất lượng tác phẩm, ngại ngùng về áp lực dội ngược từ phía những người đã đóng góp. Chẳng may nếu dự án không suôn sẻ, chính các độc giả sẽ là những người đầu tiên hứng chịu nỗi thất vọng.
Để vượt qua khó khăn, các tác giả trẻ luôn có ý thức trau chuốt những đứa con tinh thần và trí tuệ của mình. Cùng với sự miệt mài cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa, họ bỏ thời gian, tâm huyết nghiên cứu thị trường rất kỹ càng.
Tiểu thuyết lịch sử tự thân có sự hấp dẫn bởi độc giả trẻ ngày nay đã quan tâm mạnh mẽ hơn đến lịch sử nước nhà. Công việc của các tác giả là làm sao đầu tư thật sự, hết mình vào bản thảo, đồng thời, xây dựng các giá trị xung quanh tác phẩm. Trong đó quan trọng nhất là khâu hình ảnh minh họa.
Hoàng Yến – một tác giả trẻ rất thành công với tác phẩm “Săn Mộ - Thông thiên La Thành” – đã chuyển hướng sang gây quỹ cộng đồng cho bản thảo “Thượng Dương” khi nhận thấy xung quanh cô có một lượng độc giả ủng hộ nhất định. Song song với nghiên cứu và sáng tác, Hoàng Yến đầu tư mạnh mẽ vào hình ảnh và khâu in ấn, vì bản thân cô có khả năng vẽ họa hình.
Trước khi “Thượng Dương” ra đời, Hoàng Yến đã cho ra mắt bộ tranh minh họa được in đẹp, sang trọng. Hiệu ứng truyền thông từ những ấn bản đi kèm sẽ giúp tác phẩm “ghim” vào tâm trí độc giả. Tác giả trẻ này cho biết, mặc dù cô phải tự tìm người đồng hành, nhưng việc tự tay chăm sóc toàn bộ dự án chính là một niềm hạnh phúc.
“Điều đó giống như bạn đang chăm sóc nuôi nấng đứa con của mình, làm chủ các giá trị tinh thần mà bạn muốn gửi gắm cùng tác phẩm”, Hoàng Yến vui vẻ giải thích.
Có thể nói, xu hướng tự xuất bản và phát hành sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn một nguy cơ đó là nếu thiếu vai trò then chốt của người biên tập, thẩm định sắc sảo thì bản thảo sẽ có thể không đảm bảo về chất lượng hoặc bị mai một.
Hy vọng những người làm xuất bản sẽ nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới để phối hợp cùng các tác giả, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cho một nền văn học Việt Nam đang trẻ hóa.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tieu-thuyet-da-su-goi-von-thanh-cong-snO9X5HMg.html