Tiêu chuẩn nào cho khu công nghiệp sạch?
Thời gian qua, nhiều khu công nghiệp (KCN) sạch đã được đầu tư, thành lập ở một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên… Đây là tín hiệu tốt cho phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam, tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có một tiêu chuẩn hay hành lang pháp lý nào quy định cụ thể các tiêu chí về KCN sạch.
Chính sách chưa theo kịp nhu cầu phát triển
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 370 KCN được thành lập, trong đó, 284 KCN đang hoạt động, 86 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN thời gian qua đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là những thách thức về môi trường do hoạt động xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thực tế trên đòi hỏi việc xây dựng các KCN tại Việt Nam cần phải biến đổi mạnh về chất.
Sau gần 2 thập kỷ triển khai Chương trình “sản xuất sạch hơn”, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, từ “sản xuất sạch hơn” đến “KCN sạch”, tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất là phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Như vậy, dù sớm hay muộn, KCN sạch sẽ là hướng phát triển tất yếu, thậm chí hướng tới 100% KCN đều cần phải sạch.
Xuất phát từ yêu cầu trên, gần đây, một số doanh nghiệp bắt đầu triển khai mô hình KCN sạch. Minh chứng là chỉ trong nửa đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định chủ trương đầu tư dự án KCN sạch với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, như: KCN sạch Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); KCN sạch tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Mục tiêu nhằm hình thành những KCN mới có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hợp lý trong sản xuất, sử dụng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tham gia bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, KCN sạch vẫn là một khái niệm mới, chưa có trong luật hay các văn bản hướng dẫn liên quan. Đây là điều đáng lo ngại!
Cần làm rõ khái niệm
Hiện, Việt Nam mới chỉ có khái niệm về KCN sinh thái được đưa ra tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Theo GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, KCN sạch không khác KCN sinh thái, bởi các doanh nghiệp (DN) trong KCN đó phải có sự liên kết với nhau nhằm đảm bảo tiêu chí môi trường, tái sử dụng chất thải và hoạt động theo cơ chế sản xuất sạch. KCN sạch phải là KCN không phát sinh chất thải và là một phần của KCN sinh thái. Theo luật quy định, KCN sinh thái là các KCN, trong đó, có các DN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết hợp tác sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO - cho rằng, trong các quy định của pháp luật chỉ có khái niệm KCN sinh thái và một trong các yếu tố để cấu thành một KCN sinh thái là “sạch”. Vậy tại sao không sử dụng khái niệm KCN sinh thái để cấp phép dự án mà lại sử dụng “KCN sạch” - một khái niệm chưa có bất kỳ hệ quy chiếu nào.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng KCN sinh thái, DN sinh thái đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý nêu rõ tiêu chí xác định KCN sinh thái gồm: Xác nhận DN có nhận thức và áp dụng các giải pháp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; giải pháp tuần hoàn và thay đổi sản phẩm…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tieu-chuan-nao-cho-khu-cong-nghiep-sach-162321.html