Tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên đối với giáo viên

Ngày 1.8.2021, Chính phủ ban hành Nghị định 77 quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Thông tin này đem lại sự phấn khởi đối với những người đang công tác trong ngành Giáo dục.

Áp dụng từ 1.7.2020

Nghị định 77 áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Các nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 77 gồm: viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.

Giáo viên làm nhiệm vụ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau: thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập; thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập); thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có); thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên được thực hiện theo Nghị định 54 năm 2011. Điều 3 của Nghị định 54 ghi: “Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm thời gian tập sự; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Theo quy định, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được bảo đảm từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được bảo đảm từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách Nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.

Cơ sở giáo dục công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên do ngân sách Nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.

Trong trường hợp Nhà nước thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo các quy định hiện hành về việc xác định nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm; gửi Bộ Tài chính xem xét, thẩm định theo quy định.

Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 1.7.2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ.

Nghị định 77 quy định rõ về điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, các địa phương, cơ sở giáo dục công lập đã thực hiện chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo từ ngày 1.7.2020 đến nay, thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định này.

Nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn giữ ngạch viên chức ngành giáo dục, đào tạo (có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) mà chưa được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mã số V07), chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mã số V09) thì vẫn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Nghị định này.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập có trách nhiệm giải quyết truy lĩnh và thực hiện chi trả tiền phụ cấp thâm niên nhà giáo cho các đối tượng hưởng kể từ ngày 1.7.2020.

Diễn biến

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên được thực hiện từ năm 2011. Ngày 1.7.2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua không còn quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên.

Cụ thể, Điều 76 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Còn theo Điều 77 (chính sách đối với nhà giáo) thì: “Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.

Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Căn cứ Điều 76, 77 của Luật, chế độ phụ cấp thâm niên không còn được quy định.

Luật Giáo dục năm 2019 cụ thể hóa Nghị quyết 19 và Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng về sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập cũng như chế độ cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, một biến cố không ai lường được xảy ra ngay sau đó: đại dịch Covid- 19 khiến tiến độ thực hiện cải cách tiền lương chưa thể thực hiện. Sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, việc có tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niện đối với giáo viên hay không từng gây nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Tại thời điểm đó, nhiều địa phương đã tạm ngừng thực hiện chế độ này. Ngày 20.11.2020, tại kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, trong giờ giải lao, gặp gỡ đại biểu Quốc hội đang công tác trong ngành Giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Sau đó, nhiều tỉnh, thành phố đã khôi phục chế độ này nhưng vẫn có những địa phương không thực hiện, vì Luật Giáo dục năm 2019 đã bãi bỏ chế độ phụ cấp thâm niên.

Trước đó, tháng 9.2018, Văn phòng Chính phủ có ban hành một văn bản về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng. Văn bản có đoạn: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Tại Tây Ninh, ngày 29.7.2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên.

Theo thuyết minh của Sở, Luật Giáo dục năm 2019 được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương Đảng, ghi rõ việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên và xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm. Để thực hiện chế độ tiền lương mới đối với giáo viên, phải có một số điều kiện. Trước hết, phải có bảng lương mới theo vị trí việc làm, không còn sử dụng lương cơ sở và hệ số lương quy định tại Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ.

Tiếp theo, phải xây dựng được chế độ phụ cấp đặc thù nghề nghiệp khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại, bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng như sắp xếp lại các chế độ phụ cấp mới chỉ đang ở giai đoạn lấy ý kiến của ban, ngành có liên quan.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội tạm dừng tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2020. Cùng với đó, lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 cũng chưa thực hiện được, vì phải ưu tiên nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế.

Từ nội dung nêu trên, trên cơ sở tham khảo ý kiến của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, Sở xin ý kiến của UBND tỉnh “xem xét cho chủ trương tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ”. Sau thời gian tạm chi trả, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên ở Tây Ninh tiếp tục được thực hiện. Những nơi nào dừng chi trả đều đã chi trả đầy đủ chế độ này đối với giáo viên.

Như vậy, kể từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực và một số nghị quyết trước đó do Trung ương ban hành, sau nhiều luồng ý kiến khác nhau cùng với diễn biến khó khăn của nền kinh tế bởi đại dịch Covid- 19, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên vẫn tiếp tục được thực hiện.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tiep-tuc-thuc-hien-phu-cap-tham-nien-doi-voi-giao-vien-a135279.html