Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán
Sáng nay 13/2, UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.
Ban hành pháp lệnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Báo cáo về Dự án Pháp lệnh, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, qua gần 30 năm hoạt động, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, tính nghiêm minh của pháp luật.
Mục đích của việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.
Đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho hay.
Theo đó, dự thảo Pháp lệnh như về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN; về thẩm quyền lập biên bản VPHC; thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; về khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được KTNN chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, quyết định.
Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán” để áp dụng với hành vi vi phạm hành chính “mua chuộc, hối lộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của dự thảo Pháp lệnh.
Liên quan đến quy định về khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của KTNN, Ủy ban Pháp luật tán thành quy định này; đồng thời, đề nghị, sau khi Pháp lệnh được UBTVQH thông qua, Tổng KTNN khẩn trương sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2021/QĐ-KTNN về khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị.
Một số nội dung còn băn khoăn, cần tiếp thu
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo Pháp lệnh.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ băn khoăn về quy định liên quan tới các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN tại Điều 9 và Điều 10 dự thảo pháp lệnh.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 9 quy định phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu về hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu. Khoản 4 Điều 9 quy định xử phạt 30 triệu đến 50 triệu về hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần quy định rõ ràng hơn như nào là không cung cấp thông tin, tài liệu và thế nào là từ chối cung cấp thông tin, tài liệu.
Hành vi “không cung cấp thông tin, tài liệu” bị phạt 20 triệu đến 30 triệu, trong khi “từ chối cung cấp thông tin, tài liệu” lại bị xử phạt 30 triệu đến 50 triệu. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị giải thích rõ vì sao hành vi từ chối bị xử phạt nặng hơn hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 10 quy định phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đối với hành vi không trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu. Khoản 4 quy định phạt tiền 30 triệu đến 50 triệu đối với hành vi từ chối trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định này chưa rõ ràng, chưa rõ khi nào là không trả lời và khi nào là từ chối trả lời. Đồng thời đề nghị làm rõ lý do tại sao lại phạt hành vi không trả lời nhẹ hơn hành vi từ chối trả lời.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng hồ sơ Pháp lệnh đã đủ điều kiện để UBTVQH biểu quyết thông qua tại phiên họp này.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội góp ý thêm một số nội dung liên quan. Tại Điều 6 của dự thảo Pháp lệnh quy định: Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực KTNN bao gồm: Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN; Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với từng hành vi vi phạm, đảm bảo trật tự quản lý hành chính nhà nước được thực thi.
Liên quan đến Điều 13 quy định về hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, dự thảo Pháp lệnh đang quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.
Nội hàm về tài chính công, tài sản công có phạm vi nó rất lớn. Trong khi biện pháp khắc phục dự thảo Pháp lệnh quy định là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Do vậy, nội dung này có nên quy định chi tiết hơn hay không? Có nên quy định cơ nào hướng dẫn thêm hay không?
Liên quan đến nội dung về hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN tại Điều 14, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường băn khoăn vì có những chỗ quá nhẹ, có chỗ lại quá nặng, vì vậy cần cân nhắc thêm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Đánh giá cao công tác chuẩn bị của KTNN và Ủy ban Pháp luật là cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra. Việc ban hành Pháp lệnh đến nay là rất cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là lĩnh vực khó và phức tạp, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện để ban hành.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn về phạm vi quy định xử phạt; làm rõ giữa xử phạt theo quy định của Pháp lệnh này với xử phạt theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó quy định kĩ lưỡng về mức độ vi phạm, hành vi vi phạm, gắn với đó là phải ngang bằng với nhau về quyền và trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ kiểm toán, của các đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo quy định trong Luật KTNN và Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc UBTVQHcho ý kiến về dự án Pháp lệnh này là đúng thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN, Ủy ban Pháp luật nghên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp này.
Tại phiên họp, 100% các thành viên UBTVQH đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan KTNN và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình UBTVQH bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.