Tiếp tục giúp trẻ em có quyền lên tiếng về các vấn đề trẻ em

Trẻ em huyện Đồng Xuân đọc sách, nâng cao kiến thức để có thể bày tỏ chính kiến về vấn đề mình quan tâm. Ảnh: KIM CHI

Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan tâm đến các vấn đề của trẻ em, đặc biệt là thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) bằng nhiều việc làm thiết thực, tạo môi trường phát triển toàn diện.

Toàn tỉnh có 10 câu lạc bộ QTGCTE, tạo cơ hội cho trẻ em chuyển tải những nội dung mà các em quan tâm như: phòng, chống xâm hại trẻ em; giải pháp giảm tai nạn thương tích trẻ em hiện nay; bạo lực học đường; sự quan tâm của cha mẹ đối với việc học hành, vui chơi, giải trí của trẻ em; chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19…

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Diễn đàn trẻ em là một hoạt động thường niên, thúc đẩy QTGCTE nhằm tham vấn ý kiến của trẻ em. Các khuyến nghị, đề xuất của trẻ em chủ yếu tập trung vào các hoạt động giáo dục, vui chơi giải trí; được tôn trọng, lắng nghe ý kiến của trẻ em; việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em… Những khuyến nghị và đề xuất của các em sẽ góp phần để các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp thực hiện phù hợp và hiệu quả.

Thực tế cho thấy, trong quá trình tham gia diễn đàn trẻ em, nhiều trẻ đã bộc lộ suy nghĩ của mình, tham gia đặt câu hỏi, bày tỏ những vướng mắc, quan điểm của bản thân về các vấn đề mình gặp phải trong nhà trường, gia đình cũng như ngoài xã hội. Ý kiến của các em đã được lãnh đạo sở, ban ngành lắng nghe, giải đáp, xem xét để đưa vào những chương trình, kế hoạch cụ thể.

Em Ngô Trịnh Anh Thư, 15 tuổi, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), lần đầu tiên tham gia buổi truyền thông về quyền trẻ em do Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên tổ chức, bộc bạch: “Lần đầu tiên tham gia nói về quyền trẻ em, em rất hào hứng. Em nghĩ cần thường xuyên tổ chức nhiều buổi truyền thông để chúng em có cơ hội bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội”.

Còn theo em Lê Bích Trâm, thành viên Câu lạc bộ QTGCTE Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa), mỗi tháng, chúng em sinh hoạt một kỳ để chia sẻ những vấn đề xã hội phù hợp với lứa tuổi như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, đuối nước… Qua những hoạt động này, chúng em sẽ có những đề xuất kiến nghị lên cấp trên để có giải pháp bảo vệ trẻ em được tốt hơn.

Để trẻ em được tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch liên quan trực tiếp đến trẻ em, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, lấy ý kiến học sinh trong trường học liên quan đến các nội dung gồm: hoạt động ngoại khóa của nhà trường, hoạt động đội, tổ chức các hoạt động hè an toàn, lành mạnh cho trẻ, tác hại của dịch COVID-19 đến việc học tập của trẻ... Các hoạt động này đã thúc đẩy sự sáng tạo, đoàn kết của trẻ và góp phần thực hiện tốt QTGCTE trong nhà trường.

Nâng cao năng lực cho trẻ em

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan, chương trình thúc đẩy QTGCTE vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của các bậc cha mẹ và cộng đồng dân cư về QTGCTE vào các vấn đề về trẻ em được nâng lên.

“Mô hình QTGCTE triển khai qua các năm đã thật sự là cầu nối, là nơi đối thoại giữa người lớn và trẻ em; trong đó, trẻ em nói, người lớn lắng nghe một cách tôn trọng, thiện chí và đầy tâm huyết khi ghi nhận đầy đủ những ý kiến của các em, đưa ra hướng giải quyết và quyết tâm sẽ thay đổi những điều chưa tốt mà các em nêu ra. Những ý kiến của các em đã thể hiện sự tự tin để độc lập suy nghĩ với đầy đủ tính năng động, sáng tạo, mạnh dạn nêu lên những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà các em đã quan sát, cảm nhận được”, bà Hiền cho biết thêm.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình thúc đẩy QTGCTE trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy QTGCTE nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được chia sẻ sự hiểu biết và được bày tỏ quan điểm, ý kiến, nguyện vọng của mình. Cùng với đó, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội cần tiếp tục quan tâm chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hướng tới việc xây dựng thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước.

Mô hình QTGCTE triển khai qua các năm đã thật sự là cầu nối, là nơi đối thoại giữa người lớn và trẻ em; trong đó, trẻ em nói, người lớn lắng nghe một cách tôn trọng, thiện chí và đầy tâm huyết khi ghi nhận đầy đủ những ý kiến của các em, đưa ra hướng giải quyết và quyết tâm sẽ thay đổi những điều chưa tốt mà các em nêu ra.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/290392/tiep-tuc-giup-tre-em-co-quyen-len-tieng-ve-cac-van-de-tre-em.html