Tiếp sức cho phụ nữ làng nghề khởi nghiệp
Khai mạc lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống may comple xã Vân Từ
(HNM) - Trong khi nhiều người từ bỏ nghề truyền thống, không ít phụ nữ Thủ đô vẫn miệt mài tìm cách nối nghiệp cha ông, khởi nghiệp từ làng nghề nơi họ sinh ra. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, nhiều chị em đã khởi nghiệp thành công, góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín phối hợp tổ chức từ 10 đến 15 lớp học nghề, giới thiệu việc làm cho trên 400 lao động chủ yếu là nữ giới. Ảnh: Thái Hiền
Tâm huyết với sản phẩm truyền thống Làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), vốn nổi tiếng với nghề làm nón truyền thống. Khởi nghiệp từ năm 1985 trên chính mảnh đất quê hương mình, chị Tạ Thu Hương là chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh nón lá có tiếng. “Gia đình tôi còn liên kết với các công ty du lịch đón khách trong và ngoài nước về xưởng tham quan, trải nghiệm. Qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, quảng bá được nghề truyền thống”, chị Tạ Thị Thu Hương cho hay.
Kiên trì đeo đuổi ước mơ làm giàu từ nghề cha ông để lại, hơn 20 năm qua, chị Nghiêm Thị Thu Hương, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) đã tìm tòi, đưa chất liệu lụa vào các sản phẩm thời trang, phụ kiện làm đẹp, đồ lưu niệm. Chị Nghiêm Thị Thu Hương chia sẻ: “Tôi rất muốn mọi người biết và sử dụng nhiều hơn sản phẩm lụa. Vì thế, tôi sáng tạo vẽ trên lụa những tác phẩm nghệ thuật tinh tế. Bằng cách đó, lụa Việt trở nên gần gũi với mọi người”…
Chị Tạ Thị Thu Hương và Nghiêm Thị Thu Hương chỉ là hai điển hình thành công trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại các làng nghề. Theo nhiều chị em, để khởi nghiệp từ chính làng nghề, họ gặp khá nhiều rào cản và rất cần sự hỗ trợ từ các cấp hội, ngành và chính quyền.
Nghệ nhân trẻ làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Như Quỳnh cho biết: “Trong quá trình sản xuất và kinh doanh gốm sứ, tôi có thuận lợi là được đào tạo bài bản, kế thừa truyền thống sản xuất gốm lâu đời từ gia đình. Tuy nhiên, tôi cũng gặp phải khó khăn nhất định vì để hoàn thiện sản phẩm thủ công tốt nhất vẫn cần đến máy móc, thiết bị hiện đại với chi phí cao. Ngoài ra, tôi chưa có nhiều cơ hội tham gia các hội chợ thương mại quốc tế để quảng bá sản phẩm, chưa được tiếp cận với những nước đi đầu về sản xuất gốm sứ để học hỏi kỹ thuật mới”.
Theo chị Trần Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông), bên cạnh những thuận lợi là khởi nghiệp từ nghề truyền thống, nguồn nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ của làng nghề Vạn Phúc vẫn thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu kiến thức về công nghệ, nâng cao tay nghề…
Cơ sở sản xuất giày da của chị Dương Thị Hạnh, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) tạo việc làm cho gần 40 lao động.
Tích cực, đa dạng cách thức hỗ trợ
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Thị Thiên Hương, Hà Nội là địa phương có trên 300 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 1 triệu lao động tham gia, trong đó, nhiều làng nghề lao động nữ chiếm trên 65%.
Trước nỗ lực gìn giữ và tạo dựng thương hiệu cho nghề truyền thống của hội viên, các cấp hội phụ nữ đều tích cực vào cuộc hỗ trợ, khuyến khích chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Các hoạt động hỗ trợ tập trung nâng cao hiệu quả, giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững.
Chia sẻ về điều này, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai Đặng Thị Thanh Bình cho biết: “Hoàng Mai hiện có các làng nghề truyền thống như: Chạm bạc Định Công, bánh cuốn Thanh Trì, bún Hoàng Liệt, đậu mơ Mai Động… Thời gian qua, hội viên làng nghề đã được tư vấn, tập huấn kỹ năng quản lý, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng thương hiệu để tiếp cận số lượng khách hàng nhiều hơn. Hội cũng vận động các hộ tổ chức thành nhóm liên kết và đầu tư máy móc để sản xuất chuyên môn hóa từng khâu, đa dạng mẫu mã, có chất lượng bảo đảm hơn. Ngoài ra, quận và phường còn hỗ trợ hội viên làm thủ tục đăng ký kinh doanh, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác, bao bì, hỗ trợ kiểm nghiệm về chất lượng, giúp chị em yên tâm khởi nghiệp từ nghề của ông cha...”.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín Nguyễn Thị Kiều Chinh cho biết, Thường Tín có 20 làng nghề thêu ren, thu hút nhiều lao động nữ. Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp tổ chức từ 10 đến 15 lớp học nghề, nâng cao tay nghề, giới thiệu việc làm cho trên 400 lao động, trong đó đa phần là nữ giới. Đặc biệt, câu lạc bộ nữ doanh nghiệp của huyện hoạt động rất hiệu quả, là nơi các nữ doanh nhân giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề...
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, từ năm 2018 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 782 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Lê Thị Thiên Hương cho biết thêm, Hội sẽ triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ chị em có ý tưởng khởi nghiệp từ làng nghề tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tập huấn kiến thức về khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Các cấp hội cũng tập trung hướng dẫn xây dựng các mô hình hoặc tổ phụ nữ liên kết mở rộng để tìm đầu ra cho sản phẩm chứ không phải sản xuất nhỏ lẻ trong từng gia đình, góp phần hỗ trợ chị em hiệu quả hơn…
Tin rằng với tình yêu dành cho nghề truyền thống, phụ nữ Thủ đô sẽ làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, giữ mãi lửa nghề cho hôm nay và cả mai sau, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.