Tiếp nhận 12 Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra thêm nhiệm vụ chống lãng phí
Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi đã bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra...
Sáng 8-5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.
Một nội dung đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, sau khi sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ. Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.
Theo dự thảo, Thanh tra Chính phủ được bổ sung nhiệm vụ “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ đối với Bộ không có Thanh tra Bộ”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: QH
Trong khi đó, Thanh tra tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc sở và UBND các cấp”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các sở”.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; bổ sung quy định về chuyển thông tin cho cơ quan điều tra trong hoạt động thanh tra để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa xác định được hậu quả, thiệt hại xảy ra thì chuyển thông tin về vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật” - theo quy định tại Điều 29 dự thảo luật.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với các hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
“Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ngoài ra cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử” – ông Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra.