Tiến trình hòa nhập xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên mới

Nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định cải cách hành chính là một trong những yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội.

Một góc Đan Mạch. Ảnh: TRAVEL FOR A WHILE

Một góc Đan Mạch. Ảnh: TRAVEL FOR A WHILE

Xu hướng tất yếu

Cải cách hành chính trên thế giới hiện được xem là mục tiêu hướng tới xây dựng một chính phủ gọn nhẹ, vận hành nhanh nhạy và hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong thời gian dài, nhiều nước phát triển đã thực hiện các cuộc cải cách hành chính thường xuyên, có thể kể đến mô hình “Tái thiết chính phủ” (NPR) tại Mỹ; “Mô hình quản lý mới” tại Đức; “Hành chính công định hướng hiệu quả” tại Thụy Sĩ…

Những cuộc cải cách này không chỉ mang ý nghĩa về quá trình thay đổi nội bộ, mà còn phản ánh xu hướng mới trong hoạt động của nhà nước chuyển dần sang chức năng “phục vụ” để cung cấp các dịch vụ công tốt nhất cho người dân.

Hiện đại hóa quản trị công (quản lý nhà nước) hình thành và phát triển trong quá trình chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Tùy từng điều kiện phát triển của mỗi quốc gia mà việc cải cách hành chính tập trung vào những khâu, những bộ phận nhất định.

Mục tiêu tổng quát trong quá trình cải cách hành chính của các nước trên thế giới là hướng tới xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt các nhu cầu và lợi ích hợp pháp của người dân và xã hội.

Thành tựu từ các quốc gia trên thế giới

Tại châu Âu, chủ trương đưa hoạt động hành chính đến gần với người dân luôn được các quốc gia quan tâm bằng nhiều cách, từ phi tập trung hóa, giảm bớt tính quan liêu của bộ máy công quyền đến đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, áp dụng mô hình chính quyền điện tử...

Cụ thể, vào năm 2007, Đan Mạch đã trải qua cuộc cải cách chính quyền địa phương, có thể nói là quan trọng nhất trong lịch sử đất nước, tạo nên một cấu trúc khu vực công hiệu quả và hiện đại bằng cách giảm số lượng đô thị từ 271 xuống còn 98.

Cải cách mang lại nhiều tác động tích cực, việc sáp nhập các đô thị nhỏ thành các đơn vị hành chính lớn hơn đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt trong các lĩnh vực như phúc lợi xã hội, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng.

Ở Vương quốc Anh, hiện đại hóa hành chính gắn liền với cải thiện chất lượng dịch vụ. Mỗi Bộ đều có dịch vụ tiếp dân và đường dây trợ giúp. Các công chức thường luôn có mặt và có khả năng đáp ứng các yêu cầu của người dân, sẵn sàng cung cấp thông tin hoặc gửi thông tin qua bưu điện, email hay fax...

Trong khi đó, tại châu Á, Singapore đã thành lập các cơ quan và xây dựng những cơ chế nhằm tìm hiểu, đánh giá và đề xuất phương án giải quyết kiến nghị của người dân cũng như doanh nghiệp. Quốc đảo này tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên chính phủ để áp dụng công nghệ mới, cung cấp dịch vụ công thông qua mạng Internet. Giới quan sát nhận định, Singapore là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển “chính phủ điện tử” hàng đầu trong khu vực và châu lục.

Ngoài ra, cải cách hành chính đã góp phần đưa Hàn Quốc từ một quốc gia nông nghiệp kém phát triển vươn lên trở thành một nền kinh tế hàng đầu châu Á. Khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Hàn Quốc đã nhanh chóng tiếp nhận kinh nghiệm của các nước để xây dựng chương trình cải cách khu vực công, nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, tập trung vào những lĩnh vực chính, trong đó có hợp tác, tài chính và lao động.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Hòa chung dòng chảy thế giới, Việt Nam bước vào công cuộc cải cách hành chính như một phần của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ ngày 1.7.2025, chính quyền hai cấp đã chính thức vận hành trên cả nước, đánh dấu mốc lịch sử trong cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả quản trị địa phương. Đất nước đang ở thời điểm có tính lịch sử với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Đây là quyết sách mang tầm nhìn chiến lược được Đảng khởi xướng, phù hợp với xu hướng tất yếu của thế giới và tạo động lực đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/tien-trinh-hoa-nhap-xu-the-toan-cau-trong-ky-nguyen-moi-149059.html