Tiến tới loại trừ bệnh sởi bằng vắc-xin

Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc-xin. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về quá trình loại trừ bệnh sởi và giảm gánh nặng bệnh tật của hội chứng Rubella bẩm sinh, tiến tới loại trừ bệnh Rubella trong tương lai.

 Bà Dương Thị Hồng.

Bà Dương Thị Hồng.

Phóng viên (PV): Thưa bà, chúng ta đã đề ra mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2015 và sau đó tiếp tục lùi sang năm 2020, bây giờ kế hoạch lại lùi đến năm 2023. Vì sao lại có sự điều chỉnh này?

Bà Dương Thị Hồng: Từ năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đặt ra cho nhiều quốc gia về việc ngăn chặn bệnh sởi. Việc khống chế, ngăn chặn bệnh sởi luôn có rất nhiều thách thức do bệnh dễ lây; trong khi đó đối tượng tiêm chủng thường là trẻ em nên lỗ hổng miễn dịch ở trẻ lớn.

Mặc dù chúng ta đã tổ chức tiêm chủng thường xuyên cũng như tổ chức các chiến dịch tiêm chủng nhưng vẫn có một số lượng trẻ nhất định chưa được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vắc-xin phòng bệnh sởi và một mũi vắc-xin phòng bệnh Rubella. Hiện nhiều địa phương vẫn chưa thể quản lý được tình trạng tiêm chủng của trẻ trong cộng đồng, nhất là những trẻ không đến trường, ở nhà ông bà giữ hoặc gửi người quen…

Mặt khác, do tình trạng biến động dân số ở những tỉnh, thành phố lớn, nhiều trẻ ở những vùng, miền khác lên thành phố nhưng chưa được tiêm chủng đầy đủ. Đối tượng là sinh viên, công nhân ở những khu công nghiệp, những người sống tập trung… chưa được được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Họ cũng có thể là nguồn lây nếu chưa có miễn dịch đầy đủ và có thể truyền bệnh cho người khác trong gia đình và cộng đồng xã hội. Vì thế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, kể cả những nơi đã loại trừ được bệnh sởi, sau một vài năm bệnh sởi vẫn có thể quay trở lại. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng nhanh trong thời gian qua. Và việc loại trừ sởi thực sự vẫn đang là thách thức lớn đối với Việt Nam.

 Tiêm vắc-xin sởi cho trẻ tại Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BẢO AN

Tiêm vắc-xin sởi cho trẻ tại Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BẢO AN

PV: Bà có thể nói rõ hơn về những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt trong việc loại trừ bệnh sởi?

Bà Dương Thị Hồng: Việc loại trừ bệnh sởi có những thách thức rất rõ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ở Việt Nam, nhiệm vụ khống chế bệnh sởi luôn được ưu tiên. Năm 2014, khi dịch sởi hoành hành tại Việt Nam khiến khoảng 37.000 người mắc, hơn 100 trẻ tử vong do liên quan đến sởi; Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã viện trợ cho Việt Nam 20 triệu liều vắc-xin MR để tiêm cho trẻ em dưới 14 tuổi. Năm 2015, vắc-xin phối hợp này được ngành y tế đưa vào tiêm chủng thường xuyên. Thời gian qua, nếu không có được sự đầu tư của Chính phủ, không tiêm chủng thường xuyên cho các bé, cộng với nhiều chiến dịch tiêm vắc-xin sởi thì gánh nặng về bệnh sởi sẽ rất nặng nề. Nhờ những chiến dịch đó, cùng với hệ thống Tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ Trung ương đến xã, phường nên trong nhiều năm, những ca mắc sởi của trẻ em đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi là thách thức rất lớn. Do vậy, WHO đã kéo dài thời gian cho nhiều quốc gia, và với Việt Nam là vào năm 2023.

PV: Những đối tượng nào có nguy cơ dễ mắc nhất, thưa bà?

Bà Dương Thị Hồng: Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang lại chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa từng mắc sởi. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vắc-xin sởi. Dịch sởi gia tăng chủ yếu do việc tiêm chủng đầy đủ vắc-xin với tất cả trẻ em. Thời gian qua, một số cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng các loại vắc-xin phòng bệnh trong đó có cả vắc-xin sởi do tâm lý quá lo sợ về tình trạng phản ứng sau tiêm. Điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc sởi cho trẻ do không được tiêm phòng đầy đủ. Thực tế, vắc-xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì.

PV: Trân trọng cảm ơn bà.

DIỆP CHÂU (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tien-toi-loai-tru-benh-soi-bang-vac-xin-607551