Tiền Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế
(ABO) Ngày 15-9, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2023” (gọi tắt là Đề án 939), triển khai Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 21-6-2023 về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động đến năm 2030”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Hữu, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các đơn vị huyện, thị, thành.
Qua 5 năm triển khai Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu, triển khai phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hằng năm, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho Hội LHPN các cấp trong thực hiện Đề án với các hoạt động phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của địa phương.
Các cấp Hội đã duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế bền vững, vận động phụ nữ tham gia các loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, đẩy mạnh công tác phối hợp dạy nghề, truyền nghề, giới thiệu việc làm, tăng thu nhập.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, phát động, vận động các dự án, ý tưởng tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương, tỉnh tổ chức; tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, trưng bày và giới thiệu sản phẩm hằng năm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phiên chợ quê; hỗ trợ các dự án khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất...
Đặc biệt, qua 5 năm phát động, Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” (từ 2019 - 2023) đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ; thu hút 863 bài dự thi cấp tỉnh, trong đó, Tỉnh hội chọn 52 dự án tham gia dự thi cấp Trung ương. Kết quả có 14 dự án vượt qua vòng sơ khảo, trong đó có 9 dự án vào vòng Chung kết cấp vùng và đoạt 1 giải Khát Vọng tại vòng Chung kết toàn quốc.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ như xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu các loại hình kinh doanh, dịch vụ của tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã ra thị trường góp phần giải quyết đầu ra và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, hàng hóa của tỉnh Tiền Giang.
Hội LHPN tỉnh đã tạo điều kiện cho 3 hợp tác xã do phụ nữ quản lý tham gia hoạt động “Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm hàng Việt” tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ với các mặt hàng chủ lực do phụ nữ khởi nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hoạt động tư vấn, tổ chức đào tạo nghề để cung cấp kiến thức khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp: Trong giai đoạn 2018 - 2022 tư vấn việc làm, nghề nghiệp, chính sách, pháp luật lao động cho 123.977 lượt người, trong đó phụ nữ là 77.333 lượt (chiếm 62,37%); giới thiệu việc làm cho 15.334 lượt người, trong đó phụ nữ là 6.410 người (61,3%); đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 1.314 người, trong đó phụ nữ là 690 người (chiếm 52,5%), hỗ trợ cho 111 phụ nữ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài với số tiền giải ngân trên 880 triệu đồng.
Các cấp Hội tiếp tục kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang hỗ trợ vốn vay cho 2.039 hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp với số tiền trên 29,233 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, Hội phụ nữ cơ sở cũng đã ý kiến, chia sẻ những kết quả đạt được, cũng như khó khăn gặp phải. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện tốt Đề án trong giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị cũng đã triển khai Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 21-6-2023 về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 12 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; tạo việc làm ổn định cho trên 500 thành viên, lao động nữ trong hợp tác xã, 750 lao động nữ trong tổ hợp tác…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu đánh giá cao những kết quả đã đạt được qua 5 năm thực hiện Đề án 939. Thời gian qua, chị em phụ nữ vượt qua khó khăn, tự tin, làm chủ bản thân trong phát triển kinh tế; quản lý kinh doanh ngày càng bày bản; khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Để thực hiện giai đoạn tiếp theo, đồng chí đề nghị: Các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương, các ngành, các cấp cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác triển khai, tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể trong triển khai các hoạt động của Đề án 939; xây dựng các mô hình hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế, mô hình điểm theo chuỗi giá trị bền vững nhằm thực sự hỗ trợ, giúp hội viên, phụ nữ, doanh nhân nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... đạt hiệu quả.
Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động từng năm, giai đoạn, kiểm tra, giám sát thực hiện; huy động các nguồn lực, phát huy nội lực, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch lồng ghép với các hoạt động, chương trình, dự án khác do Hội quản lý để góp phần thực hiện mục tiêu Đề án 939 đạt hiệu quả….
Dịp này, UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án 939.