Tiêm vaccine phòng bệnh nguy hiểm cho gia súc

Sáng 26/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ chức lễ phát động ra quân triển khai tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc năm 2025.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ, phát động và chỉ đạo tiêm phòng vaccine đàn gia súc năm 2025.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ, phát động và chỉ đạo tiêm phòng vaccine đàn gia súc năm 2025.

Với mục tiêu tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng các bệnh nguy hiểm, thành phố Cần Thơ phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng gia súc năm 2025 phải đạt trên 80% số gia súc trong diện tiêm (đối với tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn).

Tiêm phòng gia súc năm 2025 ở Cần Thơ được thực hiện hai đợt chính (đợt 1 từ ngày 25/4 - 15/6 và đợt 2 từ tháng 8 - 11/2025). Ngoài các đợt tiêm phòng định kỳ trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với địa phương thường xuyên rà soát và thực hiện tiêm phòng bổ sung cho gia súc nuôi mới, những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu, đàn gia súc hết thời gian miễn dịch hoặc khi có yêu cầu của người chăn nuôi.

Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng đàn gia súc năm 2025, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các địa phương quyết liệt tuyên truyền, triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc đến người nuôi.

Nhận định, một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, bền vững và tiết kiệm nhất chính là tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ, đầy đủ, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, chi phí tiêm phòng không nhiều nhưng là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất để phòng bệnh cho đàn gia súc. Người dân cần nâng cao ý thức tiêm phòng cho đàn gia súc để tránh thiệt hại kinh tế, bảo vệ chăn nuôi bền vững và bảo vệ chính sức khỏe người nuôi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ đề nghị mỗi quận, huyện chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền vận động người dân tiêm phòng cho đàn gia súc. Ngoài tiêm phòng, còn phải đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học tránh lây bệnh cho đàn gia súc, lây từ động vật sang người; đặc biệt lưu ý người dân tiêm phòng cho chó mèo tránh nguy cơ xảy ra bệnh Dại cho động vật, cho người.

Năm 2025, Cần Thơ triển khai 2 đợt chính tiêm phòng vaccine cho gia súc.

Năm 2025, Cần Thơ triển khai 2 đợt chính tiêm phòng vaccine cho gia súc.

"Sau khi tuyên truyền vận động tiêm phòng đàn gia súc nhưng người dân không chấp hành thì chính quyền cần xử lý vi phạm hành chính, tạo sức răn đe để người dân thực hiện nghiêm túc", ông Nguyễn Tấn Nhơn chỉ đạo.

Là hộ chăn nuôi đàn lợn hơn 50 con cả lợn nái và lợn thịt ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, ông Lưu Minh Bảo chia sẻ quá trình chăn nuôi bản thân chấp hành nghiêm túc tiêm phòng vaccine cho đàn lợn. Ngoài tiêm phòng, ông Bảo còn vệ sinh chuồng trại thoáng mát, hạn chế cho người lạ vào khu vực chuồng trại.

Nhờ thực hiện tiêm phòng nghiêm túc mà những năm qua, đàn lợn nhà ông Bảo không mắc các bệnh như lở mồm long móng, tai xanh. Tuy nhiên, hiện ông Bảo còn lo lắng về bệnh dịch tả lợn châu Phi (dịch bệnh từng làm thiệt hại 10 tấn lợn của ông Bảo năm 2021) nhưng ở Cần Thơ chưa có vaccine để tiêm phòng. Vì vậy, người chăn nuôi mong muốn vaccine dịch tả lợn châu Phi sớm được triển khai để người dân yên tâm chăn nuôi.

Cán bộ thú y quận Ô Môn tiêm phòng cho chó nuôi tại nhà người dân ở phường Châu Văn Liêm.

Cán bộ thú y quận Ô Môn tiêm phòng cho chó nuôi tại nhà người dân ở phường Châu Văn Liêm.

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi thành phố Cần Thơ đã có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn cung thực phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Tuy nhiên, công tác tiêm vaccine phòng phòng bệnh cho đàn vật nuôi chưa cao. Kết quả tiêm phòng năm 2024 đối với bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò mới chỉ đạt trên 70% tổng đàn; lở mồm long móng trâu, bò đạt trên 85%, lở mồm long móng lợn đạt 75,2%; tai xanh heo đạt 84,3%. Đối với bệnh dại chó, mèo, tiêm phòng đạt 89,8% tổng đàn.

Ở các vùng ven đô thị, vùng nông thôn do đặc tính nuôi thả rông nên tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt theo yêu cầu nên nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục,... vẫn luôn tiềm ẩn cao và đặc biệt là bệnh dại trên đàn chó, mèo có khả năng lây truyền sang người là rất lớn.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tiem-vaccine-phong-benh-nguy-hiem-cho-gia-suc-20250426125849748.htm