Tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ ba: Thế giới chia rẽ

Do lo ngại về các biến thể mới của SARS-CoV-2, nhiều quốc gia đang cân nhắc việc tiêm liều vaccine thứ ba cho người dân. Thế nhưng, động thái này đang bị đánh giá là sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng vaccine ngày càng trầm trọng hơn, gây chia rẽ dư luận thế giới

Tình trạng bất bình đẳng vaccine Covid-19 sẽ ngày một nghiêm trọng hơn khi các nước phát triển thúc đẩy kế hoạch tiêm mũi thứ ba tăng cường. (Nguồn: The Quint)

Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, như biến thể Delta đang hoành hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, hay biến thể Lambda có khả năng kháng vaccine.

Trước sự gia tăng các ca nhiễm, nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao đang cân nhắc tiêm thêm vaccine tăng cường đối với một phần dân số, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như bệnh nhân ung thư, người được ghép tim, phổi và thận… Giới chức y tế hy vọng cách làm này sẽ giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm, cũng như ngăn ngừa các biến chứng nặng trong trường hợp nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, nguồn cung vaccine còn khan hiếm, khiến phần lớn thế giới, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, phải vật lộn để kiếm đủ lượng vaccine cần thiết để triển khai tiêm phòng đầy đủ cho ít nhất 70% dân số (mốc ước tính để đạt được miễn dịch cộng đồng).

Điều này làm tình trạng bất bình đẳng vaccine ngày một trầm trọng hơn, khi phần lớn dân số chưa có khả năng miễn dịch trước căn bệnh nguy hiểm này nhưng người dân ở một số quốc gia giàu có lại được tiêm thêm vaccine để tăng khả năng miễn dịch.

Có cần tiêm mũi thứ ba?

Các nhà khoa học đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba nhằm tăng cường cho hệ miễn dịch, tuy nhiên hiện vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Trên thực tế, các loại vaccine mô phỏng quá trình nhiễm bệnh tự nhiên. Đối với một số bệnh như sởi, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể duy trì suốt đời chỉ sau một lần lây nhiễm. Nhưng với những mầm bệnh khác như cúm hoặc uốn ván, miễn dịch có thể sẽ suy yếu dần theo thời gian. Chính vì vậy, có những loại vaccine chỉ cần tiêm một liều nhưng có những loại vaccine sẽ cần tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian.

Lần đầu tiên tiêm một liều vaccine chống lại một bệnh nhiễm trùng cụ thể, đó được gọi là liều chính.

Cơ thể con người sẽ sẵn sàng hình thành phản ứng miễn dịch sau khi tiêm liều vaccine chính. Mỗi lần tiêm thêm liều vaccine chống lại cùng một bệnh, đây sẽ được gọi là liều vaccine tăng cường.

Sau khi tiêm liều tăng cường, cơ thể sẽ tiếp tục sản sinh khả năng miễn dịch đã có từ mũi tiêm đầu tiên, thậm chí là mạnh hơn trước.

Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra những biến thể mới lây lan nhanh chóng, nguy hiểm hơn và làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccine. Vì vậy, giả thuyết tiêm thêm mũi vaccine bổ sung là hoàn toàn hợp lý, giúp người được tiêm phòng có khả năng phòng bệnh tốt hơn.

WHO đặt mục tiêu mỗi quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất là 10% vào tháng Chín tới. Trong khi Bắc Mỹ và châu Âu đã hoàn thành ít nhất một liều vaccine cho gần một nửa dân số, nhưng những nước khác lại bị bỏ lại phía sau. Tính đến cuối tháng Bảy, chỉ 2% dân số châu Phi mới được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19.

Vấn đề nhiều tranh cãi

Tranh luận về việc có nên tiêm nhắc lại hay không đã manh nha từ những ngày đầu đại dịch xuất hiện. Nhưng do sự xuất hiện của các biến thể mới như Delta và Lambda, khiến nhiều quốc gia có số lượng ca nhiễm và tử vong cao khiến vấn đề này lại được đưa ra bàn luận.

Ngoài ra, một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm y tế công cộng Madison và Dane của bang Wiscosin, Mỹ đưa ra hôm 1/8 cho biết, tải lượng virus SARS-CoV-2 biến chủng Delta trong số những người đã được tiêm chủng và người mắc Covid-19 lần đầu là tương đương.

Tuy rằng, những người đã tiêm chủng đầy đủ hoàn toàn được bảo vệ trước nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, nhưng cũng có thể khiến virus phát tán ra cộng đồng mà khó có thể phát hiện.

Nghiên cứu đưa ra khuyến cáo những người đã tiêm chủng tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong một thông cáo đưa ra vào đầu tháng Bảy, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã phản đối đệ trình của Pfizer/BioNTech liên quan tới liều tiêm bổ trợ.

Do vậy, một số hãng dược sản xuất vaccine Covid-19 mới đây cũng đã lên tiếng và đề xuất nên tiêm mũi bổ trợ thứ ba để đảm bảo chống được các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong đó, Moderna đã khẳng định vaccine của hãng dược Mỹ hiện vẫn duy trì tính hiệu quả ngừa Covid-19 lên tới 90% trong ít nhất sáu tháng nhưng sau sáu tháng mức độ kháng thể của vaccine sẽ yếu đi, nhất là trong việc đối phó với các biến thể mới, bao gồm biến thể Delta.

Theo kết quả nghiên cứu giai đoạn hai của Moderna, mũi bổ trợ thứ ba sẽ giúp người tiêm có được kháng thể mạnh để chống lại các loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các hãng dược này cũng có lý do riêng để thúc đẩy việc tiêm mũi vaccine bổ sung, đó là vì tiền. Cụ thể hơn, theo báo cáo của Bloomberg Intelligence vào tháng Năm, những liều vaccine bổ trợ có thể đem lại nguồn thu lên tới 37 tỷ USD mỗi năm trên thị trường toàn cầu.

Các chuyên gia y tế Mỹ lo ngại rằng, nguồn lợi nhuận khổng lồ có thể kiếm được từ việc phân phối liều vaccine thứ ba sẽ làm giảm độ tin cậy của các báo cáo dữ liệu liên quan mà hãng dược phẩm này đưa ra.

Trước tình hình này, các cơ quan y tế tại Mỹ và châu Âu vẫn chưa phê duyệt việc liệu có nên tiêm liều vaccine thứ ba tăng cường hay không, cho đến khi có đầy đủ dữ liệu.

Tiến sĩ Francis Collin, người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khẳng định, ngành y tế nước này vẫn đang chờ theo dõi và chưa thu thập đủ bằng chứng thuyết phục để có thể ra quyết định liên quan tới vấn đề trên.

Về dài hạn, nhiều nhà khoa học cũng lo ngại việc này sẽ làm gián đoạn quá trình phân bổ nguồn cung vaccine trên toàn cầu và trực tiếp đưa tới sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, đặc biệt từ các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Do đó, trong một cuộc họp báo vào ngày 4/8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng kêu gọi các nước phát triển tạm hoãn việc triển khai kế hoạch trên cho tới ít nhất tháng Chín, nhằm khắc phục tình trạng phân bổ vaccine không đồng đều giữa các quốc gia.

Ông Tedros nhấn mạnh: “Tôi hiểu mối quan ngại của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng ta không thể và cũng không nên chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vaccine toàn cầu sử dụng thêm nhiều vaccine hơn trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vẫn chưa được bảo vệ”.

WHO cũng cho biết, hơn 4 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng, hơn 80% đã được chuyển đến các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao dù những nước này chỉ chiếm chưa đến một nửa dân số thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ ba. Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 1/7 dành cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi. Trong số những người nhận liều thứ ba có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trước đó ông đã được tiêm hai liều vaccine Sinovac.

Vẫn lựa chọn riêng

Mặc lời kêu gọi từ phía WHO, do lo ngại biến thể Delta, nhiều quốc gia hiện đã cho triển khai kế hoạch tiêm liều bổ sung cho một phần dân số.

Trong tháng Bảy, Israel và Nga thông báo bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng liều vaccine thứ ba cho những người đã tiêm đủ từ sáu tháng trước, ưu tiên cho các đối tượng từ 60 tuổi trở lên.

Ngoài ra, Đức đã đề xuất cho nhóm đối tượng người cao tuổi và người dễ bị tổn thương như người suy giảm miễn dịch được tiêm mũi vaccine thứ ba từ ngày 1/9 tới.

Pháp chủ trương tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, người mắc bệnh ung thư, người đang chạy thận nhân tạo và người cao tuổi.

Chính quyền của Tổng thống Biden cũng cân nhắc tới kế hoạch tăng cường liều tiêm. Tương tự như các nước trên, nhóm người có hệ miễn dịch kém cũng sẽ là đối tượng được ưu tiên.

Bên cạnh đó, không chỉ các nước phương Tây, nhiều quốc gia sau khi nhận được nguồn viện trợ vaccine dồi dào từ phía Trung Quốc cũng đã khởi động chương trình liều tiêm thứ ba. Theo đó, Campuchia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều đã triển khai tiêm chủng hỗn hợp giữa một liều vaccine bổ trợ của Sinopharm hoặc Sinovac với hai liều vaccine loại khác.

Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù cơ quan y tế tại các nước chưa thể đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của liều vaccine thứ ba bổ sung trong việc phòng ngừa các biến chủng SARS-CoV-2, nhưng những nguy cơ mà chúng đem lại về dài hạn trong cuộc chiến chống bất bình đẳng vaccine là hoàn toàn hiện hữu.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiem-vaccine-covid-19-mui-thu-ba-the-gioi-chia-re-154883.html