Chính phủ Mỹ đang xem xét giảm giá thành đối với tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (tiêm kích thế hệ 6 NGAD), Bộ trưởng Không quân Frank Kendall cho biết trên tờ Air & Space Force Magazine.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, tiêm kích NGAD thậm chí có thể rẻ hơn đáng kể so với chiếc F-35 thuộc thế hệ thứ 5. Chương trình sẽ được cơ cấu lại để giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể.
Ông Kendall cho biết thêm, quyết định về tương lai tiêm kích NGAD phải được đưa ra nhanh chóng để phù hợp với yêu cầu ngân sách năm tài chính 2026 của Không quân Mỹ (USAF).
Tuy nhiên yêu cầu giảm chi phí đối với chiếc NGAD có thể đồng nghĩa với việc hạ thấp phạm vi hoạt động cũng như tải trọng, như vậy máy bay từ 2 động cơ sẽ được cấu hình sang 1 động cơ, đây sẽ là bước đi gây nhiều phản đối.
Bên cạnh đó, cấu hình trên của tiêm kích NGAD chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu USAF đưa vào sử dụng Hệ thống tiếp nhiên liệu trên không tàng hình thế hệ tiếp theo (máy bay tiếp dầu NGAS) có khả năng vượt qua hệ thống phòng không đối phương.
Trong bài phát biểu thu hút sự chú ý lớn từ giới truyền thông của mình, Bộ trưởng Kendall đã liên kết hai chương trình NGAD và NGAS, và sau đó tiếp tục nhấn mạnh một cam kết quan trọng.
“Chúng tôi không đi chệch khỏi mục tiêu chính của USAF đó là luôn nắm giữ ưu thế tác chiến trên không”, ông Kendall nhấn mạnh nhằm trấn an các quan chức chính phủ Mỹ.
Nói chuyện với các phóng viên sau đó, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nói rằng vào thời điểm hiện tại, tất cả các lựa chọn về hình dáng của tiêm kích NGAD đều đang ở "trạng thái mở".
"Chúng tôi chưa đặt ra bất kỳ con số hay ngưỡng nào cho mức giá. Tôi sẽ nói với bạn điều này một cách tự nhiên: Đối với tôi, tiêm kích F-35 là giới hạn trên của những gì sẵn sàng chi trả".
Mùa hè năm nay, ông Kendall từng tuyên bố "tạm dừng" chương trình NGAD với lý do chi phí và lo ngại về việc trước việc phải phát sinh các xu hướng công nghệ mới, tuy vậy theo dự báo chương trình sẽ vẫn về đích trong một vài năm tới.
Tiêm kích thế hệ thứ sáu được kỳ vọng sẽ mang lại ưu thế tuyệt đối cho Không quân Mỹ trước hai đối thủ lớn bao gồm Nga và đặc biệt nhất là Trung Quốc, khi Bắc Kinh cũng đang triển khai chương trình tương tự.
USAF muốn sản xuất tới 1.000 máy bay không người lái thế hệ thứ sáu như một phần của chương trình Tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) nhằm thay thế F-22 Raptor sắp hết hạn sử dụng.
Những Máy bay chiến đấu hợp tác (CCA) này sẽ phối hợp với tiêm kích có người điều khiển để tăng cường ưu thế trên không nhằm giảm rủi ro đối với con người và mang lại chi phí thấp hơn.
CCA được thiết kế để hoạt động cùng với máy bay có người lái, tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện nhiệm vụ một cách tự động. USAF có kế hoạch đầu tư hơn 6 tỷ đô la vào chương trình CCA từ năm 2023 đến năm 2028.
Việc làm trên nhằm mục đích tăng cường khả năng chiến đấu trên không đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các phi đội máy bay có người lái. Tính linh hoạt của CCA cho phép nó hoạt động như một cảm biến, xạ thủ và phương tiện mang vũ khí.
Hiện tại hợp đồng đã được trao cho hai nhà sản xuất Anduril và General Atomics để phát triển các nguyên mẫu của chiến đấu cơ theo chương trình CCA.
Đến năm 2026, quyết định sản xuất sẽ được đưa ra, với mục tiêu triển khai hoạt động vào năm 2030. USAF muốn kết hợp CCA với các nền tảng NGAD và F-35 của mình để tạo ra một đội bay lớn hơn nhiều.
Việt Dũng