Tích hợp chuyển đổi xanh và số - chìa khóa phát triển bền vững
Kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố xanh và số sẽ là chìa khóa để thương hiệu Việt tạo dấu ấn trên thương trường và giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững.
Ngày 3/1, tại Tọa đàm “Thúc đẩy chuyển đổi kép để phát triển bền vững” và “Sử dụng AI và tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài”, do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã chia sẻ giải pháp để Việt Nam vững bước trên hành trình chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số
). Theo đó, việc kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố xanh và số sẽ là chìa khóa để thương hiệu Việt tạo dấu ấn trên thương trường và giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững.
* Nhận diện rào cản doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo phân tích của các chuyên gia, trên hành trình chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn đang đối mặt với chuyển đổi mô hình kinh doanh nên rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực để vượt khó. Cụ thể, có thể kể đến cộng đồng doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác để thúc đẩy xây dựng mối quan hệ bền vững giữa các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Nhà đồng sáng lập Green Transition Consulting & Training chỉ ra rằng, có một thực tế đáng lưu ý là phần lớn doanh nghiệp có ý định thực hiện ESG đang đi trong “màn sương mù” vì còn mơ hồ về khái niệm ESG và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xem đây là một quá trình phức tạp, tốn kém và không mang lại lợi ích trực tiếp cho hoạt động kinh doanh ngắn hạn, đồng thời quan niệm ESG chỉ là chi phí thay vì là cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo ra giá trị bền vững.
“Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của ESG và sẵn sàng hành động thì vẫn gặp phải một số rào cản như nguồn nhân lực. Trong số đó, “sai lầm” phổ biến là vội vàng triển khai các hoạt động ESG mà không làm khảo sát ban đầu để đánh giá hiện trạng, dẫn đến việc các giải pháp không hiệu quả và thậm chí gây ra những hậu quả không mong muốn”, ông Nguyễn Công Minh Bảo cho biết thêm.
Với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Thế Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sinh thái trang trại Nữ Hoàng (Queen Farm) cho hay, có bốn áp lực buộc doanh nghiệp phải triển khai nông nghiệp bền vững, đó là áp lực từ yêu cầu của thị trường quốc tế, từ biến đổi khí hậu, từ xu hướng tiêu dùng xanh và từ các quy định quản trị minh bạch. Do đó, xây dựng nền nông nghiệp xanh cần dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ.
Tại Việt Nam, nên thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trong nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh. Đồng thời, sự chung tay của các nhà đầu tư cũng góp phần đổi mới công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường.
Ở góc độ chuyên gia, bà Trương Thị Ái Nhi, Giảng viên trường Đại học Văn Lang, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) nhận định, các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp - nông nghiệp và giao thông vận tải là ba thành tố quan trọng cấu thành nên huyết mạch kinh tế xanh tại Việt Nam. Các thành tố này, sẽ chỉ đóng góp vào chuyển đổi xanh khi gắn liền năm xu thế về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, tài chính xanh và nhân lực xanh.
Cũng theo bà Trương Ái Nhi, để tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, bên cạnh những giải pháp cứng và cần nhiều chi phí như công nghệ, những giải pháp mềm về mạng lưới và các mô hình hợp tác - kinh doanh được thúc đẩy thông qua sáng kiến doanh nghiệp sẽ là cơ hội để tiếp cận dần với năm xu hướng nêu trên. Đây cũng là nền tảng củng cố tính bền vững và khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp.
* Động lực tăng trưởng thương hiệu Việt
Trong khi đó, liên quan đến động lực tăng trưởng thương hiệu Việt, bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ; Cố vấn cao cấp Ủy ban chuyên gia Sở hữu trí tuệ (thuộc Hiệp hội Luật Sở hữu trí tuệ Mỹ - AIPLA) nhấn mạnh, sản phẩm Việt Nam có lợi thế tự nhiên nhờ vào chất lượng vốn có, nhưng thực tế tại thị trường quốc tế đòi hỏi chất lượng cao, sự đổi mới và thương hiệu mạnh. Để có thể cạnh tranh thực sự, các doanh nghiệp Việt Nam cần thích nghi liên tục, nhìn nhận sản phẩm của mình qua góc nhìn của người tiêu dùng quốc tế, cũng như đồng hành cùng chuyên gia.
Bà Nguyễn Ngọc Trâm chia sẻ thêm, trong xây dựng thương hiệu hiện nay thì công nghệ giúp doanh nghiệp Việt Nam phân tích dữ liệu lớn tăng hiểu khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm và tối ưu hóa chiến dịch tiếp thị thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Điển hình, trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao khả năng giao tiếp với khách hàng qua chatbot, trợ lý ảo và dự đoán xu hướng thị trường để gia tăng giá trị thương hiệu.