Tích cực chuẩn bị sản xuất vụ mùa
Thời điểm này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương hoàn thành thu hoạch lúa đông xuân để chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa mùa năm 2023. Với phương châm 'thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó', nông dân đã bắt đầu làm đất, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp để triển khai vụ lúa mùa, đảm bảo khung thời vụ.
Vụ mùa năm 2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 20.739ha lúa. Để sản xuất vụ mùa đảm bảo thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương bố trí trà lúa, giống lúa phù hợp với điều kiện đất đai, trình độ thâm canh, hạ tầng, quy luật diễn biến của thời tiết. Dự kiến khung lịch thời vụ đối với lúa gieo thẳng, trà sớm sẽ diễn ra từ 1 - 15/6/2023, trà chính vụ kết thúc trước 25/6/2023, trà muộn kết thúc 5/7/2023. Đối với lúa cấy, căn cứ đặc điểm, điều kiện canh tác sản xuất của từng địa phương để áp dụng kỹ thuật gieo mạ cho phù hợp với thực tế, tuổi mạ cấy khoảng 10 - 12 ngày đối với mạ sân; 18 - 20 ngày đối với mạ dược, kết thúc cấy trước 15/7/2023. Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất do nắng hạn kéo dài, mực nước các hồ thủy lợi xuống thấp hơn dự kiến kế hoạch. Do đó, các địa phương đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông để bố trí lịch cấp nước phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ nước để phục vụ sản xuất vụ lúa mùa.
Thời điểm này, trên khắp các cánh đồng địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, nông dân các phường, xã xuống đồng đốt rơm rạ, dọn bờ thửa, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ sản xuất mới.
Vụ mùa năm 2023, gia đình anh Lò Văn Phong, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) sản xuất 1.000m2 ruộng. Anh Lò Văn Phong cho biết: Gia đình tôi vừa kết thúc thu hoạch lúa đông xuân. Sau khi gặt và phơi rơm trên đồng gần 3 ngày, tôi đốt rơm để chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Những năm trước, phần chân rạ sau khi thu hoạch vụ đông xuân, đa số người dân giữ nguyên và để máy phay, cày xử lý khi làm đất. Tuy nhiên, năm nay theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nếu để phần rạ tự phân hủy trong quá trình làm đất sẽ tạo ra loại chất khí có hại cho sự phát triển của cây lúa. Vì vậy tôi kết hợp giữa đốt và phun chế phẩm giúp phần gốc lúa phân hủy nhanh hơn.
Chị Nguyễn Thị Hà, bản Xôm, xã Thanh An (huyện Điện Biên) cho biết: Kết thúc thu hoạch lúa đông xuân, tôi thuê máy xuống đồng cày ải đất chuẩn bị cho vụ mùa luôn. Khi đơn vị thủy nông mở nước sẽ tiến hành làm đất và gieo cấy đúng thời vụ. Năm nay, tôi gieo cấy hơn 2.000m2 ruộng, trong đó 3/4 diện tích dự kiến gieo giống Séng cù và diện tích còn lại là các giống nếp. Ngoài ra, tôi đã mua đầy đủ vật tư, phân bón sẵn sàng cho vụ mùa.
Vụ mùa năm 2023, huyện Điện Biên dự kiến gieo cấy 5.386,8ha, trong đó: Các xã vùng lòng chảo 3.189,4ha và các xã vùng ngoài 1.397,4ha. Cơ cấu giống chủ lực gồm: Bắc thơm số 7, Séng cù, Hana (chiếm 55 - 60% diện tích); các giống nếp 97, 87, nếp địa phương (20 - 30% diện tích) và các giống khác (từ 15 - 20%). Để đảm bảo an toàn sản xuất, vụ mùa năm nay huyện Điện Biên sẽ không bố trí quá 30% diện tích/giống lúa.
Bà Đặng Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã hướng dẫn người dân xuống đồng làm đất, chuẩn bị sản xuất vụ lúa mùa. Trung tâm khuyến nghị, hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ để nhanh hoai mục. UBND huyện thành lập đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cho vụ sản xuất lúa mùa năm 2023. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên chốt lịch mở nước sản xuất. Theo đó, ngày 30/5, công trình đại thủy nông Nậm Rốm mở nước cho cánh đồng Mường Thanh và các xã vùng ngoài để người dân tập trung làm đất. Vụ mùa năm nay, huyện Điện Biên tổ chức gieo cấy lúa thành 2 trà chính: Trà sớm từ ngày 1 - 10/6 đối với những diện tích không chủ động nước và trà chính từ 11 - 25/6 đối với vùng được cấp nước từ các công trình thủy lợi.
Năm nay, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, mực nước các hồ chứa thủy lợi đều xuống thấp so với kế hoạch dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất vụ mùa. Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên đã xây dựng 2 phương án cấp nước. Phương án 1 cấp nước trong vòng 24 ngày và phương án 2 cấp nước trong vòng 30 ngày. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nghiên cứu, lựa chọn phương án cấp nước phù hợp với điều kiện sản xuất với phương châm “không để thiếu nước phục vụ sản xuất”.