Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nêu loạt quy định 'mở rào' xúc tiến xuất khẩu nông sản Việt

Là thị trường đầy tiềm năng, song ông Đỗ Ngọc Hưng-Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ cho hay, nông sản Việt cần đáp ứng đủ quy định xuất khẩu vào thị trường này.

Gỡ khó cho nông sản rộng cửa xuất khẩu

Chiều ngày 31/5/2024, Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ”. Dự điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, hộ kinh doanh tham gia xuất nhập khẩu cả nước tiếp cận với thị trường xuất khẩu thông qua các cơ quan thương vụ tại nước ngoài từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Đánh giá về hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ hiện nay, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, về sản xuất vải thiều từ cuối năm 2023 đến nay gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi cho cây vải đến kỳ ra hoa, dẫn tới sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay giảm so với năm trước.

"Tuy nhiên, Bắc Giang luôn nhất quán chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở, là sản xuất các sản phẩm nông sản có chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng" - ông Tấn cho hay.

Điểm cầu Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang chia sẻ tại hội nghị

Điểm cầu Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang chia sẻ tại hội nghị

Đánh giá về sản lượng vải năm nay, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang dự báo, sản lượng vải toàn tỉnh năm 2024 khoảng gần 100.000 tấn, thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 20/5; kết thúc cuối tháng 7/2024.

Nhận định về việc tiêu thụ vải thiều từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc trao đổi, thúc đẩy hợp tác với chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…; thường xuyên liên hệ, trao đổi với các chợ đầu mối, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong nước để kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều; chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, ông Tấn cũng đã đề cập đến các khó khăn, vướng mắc của tỉnh nhằm được tháo gỡ. Cụ thể, như việc ùn tắc cục bộ tại hai Cửa khẩu (Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn) và Kim Thành (tỉnh Lào Cai)…; việc triển khai để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ; hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của sang các thị trường quốc tế…

Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương, các cục, vụ của Bộ Công Thương, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đồng thời, đề nghị các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Liên minh hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, các doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành phố trong nước tiếp tục định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều; thông tin các chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, các sản phẩm chế biến từ vải.

Vượt "hàng rào" các quy định khắt khe, nâng cao giá trị nông sản

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu tại thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, thị trường Mỹ có trên 330 triệu dân với sức tiêu thụ lớn là một thị trường trọng điểm cho các loại nông sản, thực phẩm trong đó có trái cây mùa vụ.

"Thị trường Mỹ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế" - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, hiện hệ thống phân phối của thị trường Hoa Kỳ rất đa dạng, nhiều kênh phân phối như siêu thị, chợ nông sản, cửa hàng tạp hóa, thương mại điện tử. Ngoài ra tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa thúc đẩy người tiêu dùng muốn thử nghiệm sản phẩm mới, đặc sản, bổ dưỡng cho sức khỏe đặc biệt là trái cây nhiệt đới.

Cũng theo ông Hưng, các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu sang Mỹ và luôn nhận được sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Mỹ bao gồm: Thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa.

Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý, để đáp ứng đủ quy định xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các loại trái cây phải được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói, phải qua xử lý chiếu xạ được Bộ Nông nghiệp (APHIS – Cục Kiểm dịch động thực vật) xác nhận và kèm theo chứng thư kiểm dịch thực vật (KDTV) xác nhận đáp ứng các yêu cầu KDTV của Mỹ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Đặc biệt, trái cây nhập khẩu vào Mỹ chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định và đạo luật khác nhau. Đồng thời, Mỹ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký đại diện tại Mỹ làm đầu mối liên lạc.

"Cứ sau 2 năm, doanh nghiệp nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm vào Mỹ phải tiến hành đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện được cấp mã số kinh doanh hợp lệ với mặt hàng" - ông Hưng thông tin.

Bên cạnh đó, vùng trồng và chế biến trái cây phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn như GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO, HACCP, USDA, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký tại Mỹ, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn, nấm mốc, quá trình thu hoạch phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.

Ông Hưng cũng chỉ ra, so với các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là các nước khu vực châu Mỹ, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp một số khó khăn, thách thức, cụ thể: Tính mùa vụ thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng; khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí phí vận chuyển; cạnh tranh từ các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm; công nghệ bảo quản còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng.

Ngoài ra, quy mô sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu; chưa đầu tư đúng mức về khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã và quảng bá tại thị trường Mỹ.

Theo đó, ông Hưng đưa ra một số kiến nghị đối với các địa phương và doanh nghiệp như. Một là, cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ: Bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp có thể tiêu thụ quanh năm.

Hai là, ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây, ví dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị

Ba là, xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á.

Ông Hưng cũng kiến nghị, đối với đơn vị logistics, cần khuyến khích, hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải (hàng không, tàu biển) để giảm cước vận chuyển trái cây mùa vụ vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường khác.

Khuyến khích các doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hóa mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu.

Đối với đơn vị quản lý nhà nước, đề nghị Bộ Nông nghiệp (Cục Bảo vệ thực vật) trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng Hoa Kỳ cho phép áp dụng thêm các biện pháp xử lý kiểm dịch khác như xử lý hơi nước nóng để tiết giảm chi phí và tận dụng nguồn lực và trang thiết bị hiện có.

Năm 2023, Hoa Kỳ nhập khẩu rau quả tươi và đông lạnh trị giá khoảng 20 tỷ USD, trong đó chủ yếu là quả mọng berries (4,3 tỷ USD), bơ (2,98 tỷ USD), chuối (2,76 tỷ USD), nho (2,49 tỷ USD), quả có múi (1,89 tỷ USD), dâu tây (1,49 tỷ USD)…

Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-vu-viet-nam-tai-my-neu-loat-quy-dinh-mo-rao-xuc-tien-xuat-khau-nong-san-viet-323480.html