Thượng tướng Võ Trọng Việt - người ghi dấu ấn đặc biệt trong công tác đối ngoại Biên phòng

Từ năm 2005 đến năm 2015, trên cương vị là Chính ủy rồi Tư lệnh BĐBP, Thượng tướng Võ Trọng Việt, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (khóa XIV), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình, chương trình và việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ bản lĩnh và tấm lòng của người lính quân hàm xanh nơi địa đầu Tổ quốc. Trong đó, đặc biệt phải kể đến các mô hình kết nghĩa giữa các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động đối ngoại của BĐBP về xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.

Đồng chí Võ Trọng Việt (thời điểm đó mang quân hàm Trung tướng) thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum (tháng 3/2014). Ảnh: Hoàng Anh

Đồng chí Võ Trọng Việt (thời điểm đó mang quân hàm Trung tướng) thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum (tháng 3/2014). Ảnh: Hoàng Anh

Người khởi tạo mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới

Là người trưởng thành từ thực tiễn cơ sở, từng trải qua chiến đấu và thực sự gần dân, sát dân, Thượng tướng Võ Trọng Việt đã nghiên cứu, suy ngẫm rất nhiều về quan điểm "Đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ" của Đảng được cụ thể hóa bằng các hoạt động trong công tác phối hợp, hợp tác với lực lượng chức năng của nước láng giềng nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới.

Xác định ý nghĩa to lớn từ việc kết nghĩa giữa nhân dân khu vực hai bên biên giới, ông đã dành nhiều thời gian đến với nhân dân vùng biên để lắng nghe người dân đề đạt ý kiến, qua đó, trực tiếp chỉ đạo công tác kết nghĩa với phương châm: Phải đi sâu vào thực chất, cụ thể và hiệu quả. Qua nghiên cứu, Thượng tướng Võ Trọng Việt nhận thấy mô hình kết nghĩa không những vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa cư dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Chính vì thế, ông đã chỉ đạo làm thí điểm triển khai thực hiện mô hình "Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới" tại các tỉnh như: Quảng Trị, Lào Cai, Quảng Nam, Long An, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ở các tỉnh khác.

Thực tế cho thấy, việc các địa phương của hai nước láng giềng kết nghĩa đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, giúp đường biên giới chung giữa hai nước ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Một trong những ví dụ điển hình là mô hình kết nghĩa giữa thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu (Trung Quốc). Sau khi kết nghĩa, hai thôn đã góp tiền mua chung một cái trống to để phục vụ đám tang. Khi bên này có người mất, nếu trống ở bên kia thì lấy trống về đánh ở bên này. Bên kia cần dùng thì trống lại đem sang bên kia. Chiếc trống bịt da trâu cỡ lớn là biểu tượng linh thiêng, không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Mông. Đến vụ thu hoạch, nhân dân thôn Cốc Phương sang giúp tổ Tam Bình Bá ngày công, nhân dân tổ Tam Bình Bá giúp nhân dân thôn Cốc Phương giống cây và kỹ thuật trồng chuối, dứa... Trải qua 20 năm kết nghĩa, đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở hai địa phương luôn ổn định, số hộ nghèo ngày càng giảm, số hộ khá giả ngày càng tăng lên, hệ thống đường biên, cột mốc cũng được bảo vệ chặt chẽ hơn.

Mô hình "Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới" đã trở thành hình mẫu về công tác ngoại giao nhân dân trong giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. Có thể nói, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới là một hình thức đối ngoại rất hiệu quả, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội hai nước quan tâm và các địa phương, đơn vị tích cực triển khai.

Ghi dấu ấn trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới

Với cương vị là Chính ủy, rồi Tư lệnh BĐBP, Thượng tướng Võ Trọng Việt đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về những vấn đề đổi mới mang tính nguyên tắc và phương pháp quản lý, bảo vệ biên giới và vùng biển quốc gia trong tình hình mới.

Vào đầu năm 2010, Thượng tướng Võ Trọng Việt (thời điểm đó đang là Thiếu tướng, Chính ủy BĐBP) sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây để gặp Thiếu tướng Vũ Đông Lập, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc (nay là Cục Quản lý di dân quốc gia) để bàn một số nội dung quan trọng liên quan đến việc quản lý và bảo vệ biên giới giữa lực lượng BĐBP Việt Nam và Công an Biên phòng Trung Quốc. Tại buổi tiếp, Chính ủy Võ Trọng Việt đã nêu ra 3 vấn đề và Cục trưởng Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc Vũ Đông Lập đồng thuận ngay. Thứ nhất là nghiên cứu tổ chức mô hình kết nghĩa giữa lực lượng Biên phòng hai bên biên giới. Thứ hai là khi lãnh đạo Biên phòng đến biên giới, thăm đơn vị cơ sở của nước mình thì sẽ sang thăm luôn đơn vị nước bạn để thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị. Thứ ba là nghiên cứu tổ chức xây dựng nội dung giao lưu công tác Đảng, công tác chính trị giữa hai lực lượng nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Ngay sau lần gặp đầu tiên này, lãnh đạo lực lượng Biên phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã báo cáo cấp trên để tiến hành thiết lập Thỏa thuận cơ chế phối hợp Biên phòng 3 cấp; tổ chức mô hình kết nghĩa “Đồn- trạm hữu nghị, biên giới bình yên” và giao lưu công tác Đảng, công tác chính trị giữa Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2013, ông đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng Việt Nam ký kết với Bộ Quốc phòng Trung Quốc về Thỏa thuận hợp tác Biên phòng bổ sung, sửa đổi và ký Quy chế phối hợp Biên phòng 3 cấp với Bộ Công an Trung Quốc. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là nền tảng giải quyết các vấn đề trong quan hệ biên phòng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; là căn cứ để các đơn vị Biên phòng hai bên biên giới duy trì, mở rộng quan hệ, tăng cường trao đổi, củng cố lòng tin và phối hợp có hiệu quả trong việc duy trì ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển chung của hai nước; trực tiếp góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc.

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác Biên phòng bổ sung, sửa đổi, vào đầu năm 2014, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã thống nhất tổ chức Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2014” tại hai thành phố biên giới là Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây cũng chính là tiền đề cho việc tổ chức các chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới giữa quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc sau này.

Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới

Kể từ khi thỏa thuận hợp tác biên phòng 3 cấp được lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước ký kết, Thượng tướng Võ Trọng Việt đã cùng lãnh đạo hai Quân khu Quảng Châu, Thành Đô, thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức nhiều đoàn đại biểu cấp cao sang thăm và làm việc với nhau, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng và thống nhất được nhiều chủ trương, việc làm thiết thực trong công tác biên phòng và xây dựng tuyến biên giới đoàn kết, hữu nghị.

Với cương vị là Chính ủy, rồi Tư lệnh BĐBP, ông đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới giáp với các nước bạn tổ chức tuần tra biên giới song phương hàng trăm lần với hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia. Thông qua công tác tuần tra song phương đã kịp thời phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu; bắt giữ và tiến hành trao trả nhiều đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán ma túy, mua bán người và buôn lậu, gian lận thương mại...

Bên cạnh đó, để giúp cho việc nắm thông tin tình hình hàng ngày, Thượng tướng Võ Trọng Việt đã chỉ đạo lực lượng Biên phòng hai bên phối hợp thiết lập các đường dây nóng nhằm kịp thời thông tin, xử lý những vấn đề xảy ra trên biên giới; tổ chức kết nghĩa gần 100 cặp đồn-trạm theo mô hình “Đồn-trạm hữu nghị, biên giới bình yên”; tiến hành đều đặn các cuộc hội đàm định kỳ giữa đồn-trạm Biên phòng Việt Nam với các trạm Hội ngộ hội đàm Quân giải phóng nhân dân và Chi đội Công an Trung Quốc; thường xuyên gửi thư trao đổi, thăm hỏi lẫn nhau trong những dịp lễ, Tết, ngày thành lập Quân đội của hai nước và thành lập BĐBP… Những hoạt động đó góp phần tăng cường lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước Việt-Trung.

Trần Hoàng Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuong-tuong-vo-trong-viet-nguoi-ghi-dau-an-dac-biet-trong-cong-tac-doi-ngoai-bien-phong-post486972.html