Thường trực HĐND hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh họp bàn về Đề án sáp nhập

Chiều 21/4, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị họp bàn và thống nhất Đề án sáp nhập Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.

Các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Trần Thị Vân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Theo dự thảo Đề án, phương án sắp xếp HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh gồm: Sắp xếp HĐND, các ban của HĐND và tổ đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, hợp nhất HĐND tỉnh Bắc Ninh (50 đại biểu) và HĐND tỉnh Bắc Giang (69 đại biểu) thành HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới). Sau hợp nhất, HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới) khóa XIX có 119 đại biểu, tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hợp nhất Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh với Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang thành Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới). Sau hợp nhất, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới) khóa XIX có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên là các Trưởng Ban của HĐND tỉnh.

Hợp nhất Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh Bắc Ninh với các ban tương ứng của HĐND tỉnh Bắc Giang thành các ban của HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới).

 Các đồng chí đồng chủ trì hội nghị.

Các đồng chí đồng chủ trì hội nghị.

Giữ nguyên danh sách các tổ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang (10 tổ) và các tổ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh (8 tổ), chuyển thành các tổ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới). Sau sắp xếp, HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới) khóa XIX có 18 tổ đại biểu.

Về sắp xếp Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh: Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Ninh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Giang thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới). Sau hợp nhất, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới) có 80 biên chế.

Trụ sở làm việc của Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh dự kiến đặt tại số 82 đường Hùng Vương, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang (hiện là Trụ sở của HĐND - UBND tỉnh Bắc Giang).

 Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất quan điểm việc sắp xếp, sáp nhập là phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Các ý kiến cũng đánh giá cao Đề án sáp nhập Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND hai tỉnh được Tổ rà soát, xây dựng Đề án chuẩn bị đầy đủ, chi tiết.

Các đại biểu đề nghị sớm ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể về xây dựng đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh để làm căn cứ sắp xếp nhân sự hợp lý sau khi hợp nhất.

Nghiên cứu hỗ trợ đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động chuyên môn; bảo đảm điều kiện cho việc phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh phù hợp với quy mô tỉnh mới.

Có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi sắp xếp tổ chức như: Chính sách hỗ trợ nhà công vụ... phục vụ cho cán bộ, công chức phải di chuyển đến nơi làm việc mới sau hợp nhất.

 Đồng chí Lâm Thị Hương Thành kết luận hội nghị.

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh, thực hiện sắp xếp HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND hai tỉnh nhằm mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu hoạt động của các cơ quan của HĐND tỉnh gắn với hoàn thiện, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quá trình thực hiện Đề án, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang sẽ chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự các ban của HĐND tỉnh. Thời gian thực hiện trước ngày Nghị quyết của Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bắc Ninh sắp xếp các phòng và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng.

Dịp này, Thường trực HĐND hai tỉnh đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, ngày 18/9/2020 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh để phù hợp với quy mô sau sáp nhập chính quyền cấp tỉnh; nghiên cứu, hướng dẫn, kiện toàn sắp xếp đại biểu và tổ đại biểu cho phù hợp.

Tin, ảnh: Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuong-truc-hdnd-hai-tinh-bac-giang-bac-ninh-hop-ban-ve-de-an-sap-nhap-postid416565.bbg