Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Với chủ đề 'Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn', các cấp, các ngành trong tỉnh cùng vào cuộc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông, qua đó tạo ra môi trường giao thông an toàn.

Lực lượng CSGT tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến thanh niên công nhân

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Trao đổi với P.V, ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết qua nắm tình hình từ các công đoàn cơ sở, vẫn còn nhiều công nhân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Cụ thể, sau giờ tan ca nhiều công nhân chạy xe không đúng làn đường, một số chạy ngược chiều nên xảy ra tai nạn, va chạm… Trước tình hình trên, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc ban hành văn bản, sử dụng nhiều phương tiện truyền tải, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong công nhân.

Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh duy trì phối hợp với Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh và CSGT công an các địa phương tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường bộ đến đội ngũ công nhân lao động. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định mới của pháp luật, mức xử phạt vi phạm hành chính, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

Trong các buổi tuyên truyền trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng chia sẻ thông tin về các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cả nước để người lao động cảnh giác, nghiêm túc chấp hành, từ đó hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông (TNGT). Tính đến cuối tháng 8, các cấp công đoàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho gần 30.000 lượt công nhân và phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn “Kỹ năng lái xe an toàn” thay nhớt miễn phí cho hàng ngàn công nhân lao động.

Tương tự, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết thực hiện chương trình phối hợp về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về trật tự ATGT và đưa vào các tiêu chí thi đua trong hệ thống Mặt trận. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT với cuộc vận động nhân dân ký và thực hiện cam kết xây dựng gia đình bảo đảm trật tự ATGT, các khu dân cư cam kết bảo đảm trật tự ATGT, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT tại địa phương, như: Khu dân cư tự quản về bảo đảm trật tự ATGT, Ánh sáng nông thôn, Tuyến đường kiểu mẫu; vận động các cơ sở, hộ kinh doanh cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Lực lượng CSGT tuyên truyền kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh

Thiết lập trật tự, kỷ cương về giao thông

Đại diện Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh trước hết cần tập trung thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm thiểu TNGT, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong đó, Công an tỉnh với vai trò chủ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT theo chuyên đề; Sở Giao thông - Vận tải tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực khai thác của kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong tổ chức, điều hành, giám sát giao thông.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng rất chú trọng và quan tâm tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; chú trọng công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, tuyên truyền về trật tự ATGT cho học sinh, tuyệt đối không giao xe cho trẻ em, học sinh điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; phối hợp bảo đảm trật tự ATGT ở khu vực trước cổng trường học; tăng cường quản lý hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ô tô theo hình thức hợp đồng. Ngoài ra, các sở, ban ngành cũng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp thường xuyên rà soát, thống kê, đánh giá sát tình hình thực tế về điểm đen TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT để kịp thời kiến nghị khắc phục; đồng thời, phát hiện và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông như gồ, gờ giảm tốc, biển báo giao thông, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng đường…

Trong 8 tháng năm 2024, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Sở Thông tin và Truyền thông và các thành viên Ban ATGT tỉnh thực hiện hàng trăm cuộc tuyên truyền về pháp luật ATGT cho cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên. Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh tiếp tục lồng ghép tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên mạng xã hội, hạ tầng số như ứng dụng Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử chương trình phát thanh trực tiếp Giao thông giờ cao điểm, Câu chuyện giao thông, An toàn giao thông - Đằng sau tay lái…

PHƯƠNG QUỲNH - NAM NI

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thuong-ton-phap-luat-de-xay-dung-van-hoa-giao-thong-an-toan-a329715.html