Thương mại Mỹ - Trung có thể bùng nổ trong thời gian hòa hoãn

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc nói rằng sự bất định mà thương chiến gây ra vẫn còn lớn, đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc và tìm kiếm các thị trường mới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ông Jacob Rothman - chủ một doanh nghiệp sản xuất dụng cụ làm bếp ở Trung Quốc để cung cấp cho các nhà bán lẻ Mỹ bao gồm Walmart trong hơn 2 thập kỷ qua - cảm thấy “sốc và vui mừng” khi Washington và Bắc Kinh công bố thỏa thuận đình chiến thương mại vào hôm 12/5.

Tuy nhiên, ông Rothman - người đồng sáng lập công ty có tên Velong Enterprises - nói rằng thỏa thuận giảm thuế quan tạm thời trong 90 ngày chẳng qua chỉ là một sự giải tỏa tạm thời. Theo thỏa thuận, Mỹ giảm thuế quan đối ứng đối với hàng Trung Quốc từ 125% về 10%, cộng thêm thuế quan 20% liên quan tới vấn đề fentanyl là 30%; còn Trung Quốc giảm thuế đối với hàng Mỹ từ 125% về 10%.

“Đây chính là mức thuế mà các sản phẩm của tôi còn khả thi. Chúng tôi cảm thấy dễ thở một chút… Nhưng sau thời hạn đình chiến, không ai chắc mọi việc sẽ thế nào”, ông Rothman nói với tờ báo Financial Times về tổng thuế quan mà hàng Trung Quốc bị áp khi xuất khẩu sang Mỹ hiện nay là khoảng 40%.

Theo dự báo của ông Wang Xin, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thẩm Quyến - tổ chức có hơn 2.000 công ty - xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ được kỳ vọng sẽ “tăng mạnh” trong vài tuần tới.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc nói rằng sự bất định mà thương chiến gây ra vẫn còn lớn, đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc và tìm kiếm các thị trường mới. “Thỏa thuận đình chiến chỉ có tác dụng ‘câu giờ’ để hai bên tìm cách điều chỉnh”, nhà kinh tế Heron Lim của công ty Moody’s Analytics nhận xét.

Với sự hòa hoãn này, Mỹ và Trung Quốc có 90 ngày đàm phán để đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Nhưng các nhà xuất khẩu Trung Quốc nhấn mạnh rằng thuế quan sau khi giảm vẫn cao hơn nhiều so với mức trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1 năm nay.

Giai đoạn 1 tháng chứng kiến xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm chóng mặt - bắt đầu từ khi ông Trump công bố thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4 - đã bắt đầu “tan băng”. Về cơ bản, nhu cầu vận tải hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ “sẽ bùng nổ” trong ngắn hạn - ông Zhu, một nhà quản lý tại công ty đại lý vận tải Greenroad International Logistics, nói với Financial Times.

Ông Ken Huo, một giám sát tại Hiệp hội Ngoại thương Foshan, cho biết một số nhà xuất khẩu đang tiến hành giao hàng một cách nhanh nhất có thể để đảm bảo hàng đến nơi trong khung thời gian 90 ngày hòa hoãn. Họ lo ngại rủi ro đàm phán đổ bể và những lô hàng của họ có thể lại trở thành mục tiêu của thuế quan cao nhất ngưởng - ông Huo nói.

Theo ông Huo, sau khi có tuyên bố chung Mỹ - Trung về đạt thỏa thuận, một nhà giao dịch đã nhận được mệnh lệnh từ cấp trên là “vận chuyển hàng đang lưu kho ngay lập tức” tới Mỹ. Điều này có nghĩa là các hảng cảng của Trung Quốc đang trở nên đông đúc bất thường, ông Huo nói thêm.

Dù vậy, nhiều nhà xuất khẩu bày tỏ quan điểm thận trọng. Bà Wang Xiaosha, Tổng giám đốc công ty Fujian Jie Ao Industrial chuyên sản xuất các sản phẩm trang trí để xuất khẩu, cho biết công ty “không dám” nhận đơn hàng Mỹ cho tới khi có một thỏa thuận bền vững. Nhiều sản phẩm của công ty này mang tính chất mùa vụ, và khách hàng Mỹ thường chọn nhập hàng trưng bày tại Hội chợ Canton - sự kiện đã kết thúc trong tháng này trước khi có tuyên bố tạm hoãn thuế quan. Điều đó có nghĩa là nhiều khách hàng chưa đặt hàng - bà Wang nói.

Ông Ren Chaoqun, Giám đốc sản phẩm của công ty Xstrap ở Giang Tô chuyển sản xuất phụ kiện ô tô xuất khẩu sang Mỹ, với những khách hàng gồm Walmart, cho biết thỏa thuận sẽ giúp giải tỏa một lượng hàng tồn chưa được vận chuyển. Nhưng “thuế quan vẫn là một thách thức lớn. Căng thẳng có được giải tỏa, nhưng tình hình vẫn còn rất nghiêm trọng”, ông Ren nói.

Ông Wang Chao, nhà điều hành doanh nghiệp vạn tải Super Popular Logistics, nói đơn hàng từ Mỹ đã giảm 50% trong tháng 4. “Từ tháng 4 đến đầu tháng 5, ảnh hưởng là khá lớn”, ông nói. Sau khi có thỏa thuận, “mọi thứ đang phục hồi chậm chạp”.

Ông Rothman nói triển vọng dài hạn thậm chí còn phức tạp hơn. Cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng đã gây gián đoạn lịch vận chuyển hàng hóa của nhiều khách hàng. Và sự bấp bênh vẫn còn đó cho tới khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Ông nói thêm rằng thỏa thuận đình chiến sẽ làm chậm lại quá trình dịch chuyển sản xuất mà ông đang tiến hành từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.

“Điều đó có nghĩa là sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các cơ sở của chúng tôi ở Campuchia và Ấn Độ có thể sẽ chỉ ở mức độ như vậy. Đó là một cuộc dịch chuyển chứ không phải là rút lui hoàn toàn”, ông Rothman nhấn mạnh.

“Bây giờ, chúng tôi có thời gian 4-5 tháng để vận chuyển sản phẩm cho mùa tiếp theo. Nếu đàm phán có tiến bộ, 4 nhà máy của chúng tôi ở Trung Quốc - và sự đầu tư suốt 20 năm qua - có thể được bảo tồn”, ông nói.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuong-mai-my-trung-co-the-bung-no-trong-thoi-gian-hoa-hoan.htm