Thương mại hóa mạng 5G: Thúc đẩy xây dựng hạ tầng số

Hai nhà mạng lớn tại Việt Nam đã chính thức thương mại hóa 5G vào cuối năm 2024. MobiFone dự kiến sẽ thương mại hóa 5G vào đầu năm 2025. Quá trình này thúc đẩy xây dựng hạ tầng số với tốc độ truy cập mạng nhanh hơn, gia tăng dịch vụ mới.

Tạo hệ sinh thái

Theo ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel, đơn vị đã khai trương mạng di động 5G vào tháng 10/2024. Sau 2 tháng, số lượng thuê bao 5G của Viettel là 4 triệu và tương ứng với 70% các thiết bị đầu cuối 5G trong vùng phủ của 6.500 trạm BTS 5G.

Còn Tập đoàn VNPT chính thức công bố thương mại hóa Vinaphone 5G trên cả nước từ 20/12/2024. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho biết, việc thương mại hóa 5G mang lại các giá trị mới. Công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ khác như cloud, AI, big data... tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ để phục vụ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn bộ xã hội. Đây là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới.

Mạng 5G triển khai tại các trung tâm đô thị 63 tỉnh thành.

Mạng 5G triển khai tại các trung tâm đô thị 63 tỉnh thành.

Dẫn nghiên cứu từ nước ngoài, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Một nhà máy ô tô ở Tây Ban Nha, nơi ứng dụng 2 use case (hệ thống) vào dây chuyền sản xuất, toàn bộ quá trình từ thiết kế mô hình kinh doanh, các bên tham gia sử dụng các công nghệ mới như 5G, IoT... Kết quả là giúp cải thiện chi phí khoảng 10%, phát hiện sớm sai lỗi hàng khoảng 30%, tiết kiệm 10% vật liệu dư thừa, thời gian đáp ứng dịch vụ khách hàng giảm 50%. Doanh nghiệp đạt được cả ba mục tiêu: giảm chi phí, tăng doanh thu, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

"Tại châu Âu, thí điểm 5G mang lại kết quả tích cực cho các cảng biển, nhà máy thông minh, cải thiện hiệu suất, hiệu quả hoạt động, giảm thiểu nhân công, giải quyết các bài toán về môi trường, mang lại lợi ích cho xã hội", ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng ban Công nghệ tập đoàn VNPT khẳng định.

Theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), tại các khu công nghiệp, chế xuất tại TP Hồ Chí minh, có đến 61% các doanh nghiệp chưa tự động hóa, 25% tự động hóa được một phần.

"Điều này cho thấy dư địa vẫn còn rất nhiều. Tổng cộng lại đến 86% các doanh nghiệp gần như chưa tự động hóa gì cả. Ở mảng thông minh hóa còn thấp hơn nữa, 25% các doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối, thông minh trong dây chuyền sản xuất. Dư địa để làm nhà máy thông minh ở Việt Nam còn rất nhiều", ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng công ty MobiFone, cho biết.

Còn ông Lê Bá Tân cho biết, thực tế triển khai 5G thời gian qua cho thấy, mới chỉ "phôi thai" một số doanh nghiệp FDI, một số nhà máy đang sử dụng mạng 5G. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp đang làm việc với đơn vị để phối, kết hợp trong việc thử nghiệm, làm sao ra được các giải pháp số cung cấp cho doanh nghiệp.

Dư địa và tiềm năng lớn, nhưng ứng dụng 5G vào sản xuất công nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn. Thách thức đầu tiên là khung pháp lý. Hiện Việt Nam chưa có đầu đủ các cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị... Tiếp đó là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp công nghệ 5G.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, vấn đề tiếp theo là bài toán đầu tư. Muốn phủ sóng 5G thì số lượng trạm là rất lớn, phải vài trăm nghìn trạm mới phủ sóng 5G hết Việt Nam. Trong khi đó, mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G ở xã hội Việt Nam đang thấp. Thách thức cuối cùng là vấn đề an ninh mạng. Số lượng kết nối IoT lớn như vậy, nếu bị tấn công DdoS thì hậu quả sẽ rất lớn.

Do đó, để tiết kiệm chi phí, sự phối hợp, hợp tác cũng là một chủ đề được đại diện nhiều doanh nghiệp hướng đến. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT và MobiFone đã ký thỏa thuận chiến lược, chia sẻ hạ tầng. Hai bên đã tiến hành thử nghiệm liên quan đến 4G và tới đây là 5G. Thỏa thuận giúp tăng khoảng 50% vùng phủ sóng của hai doanh nghiệp. Trong pha đầu tiên, VNPT sẽ triển khai ít nhất 3.000 vị trí và nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, “Khác với thời 3G, doanh nghiệp viễn thông xây mạng, người dân tự mua thiết bị về dùng. Tuy nhiên, khi triển khai 5G, các doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp trọn gói, không phải chỉ phủ sóng mạng lưới mà cả thiết bị mạng lưới, cung cấp ứng dụng, giải pháp, đào tạo nguồn lực. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp viễn thông truyền thống chuyển thành doanh nghiệp công nghệ.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Khánh, công nghệ 5G đã cho thấy các giá trị và lợi ích rõ rệt. Tuy nhiên, triển khai 5G thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chẳng hạn, kinh doanh B2C (khách hàng cá nhân) khi áp dụng 5G sẽ được hưởng chất lượng vượt trội về tốc độ, độ trễ, dung lượng nhưng khách hàng chưa sẵn sàng chi trả. Khảo sát toàn cầu cho thấy sự chi trả không gia tăng nhiều, doanh thu còn khiêm tốn.

"Khách hàng B2B cũng thấy giá trị và lợi ích khi lên 5G. Thách thức lớn nhất là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi, buộc nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn. Những điều này là thách thức rất lớn trong việc quyết định và triển khai công nghệ mới như 5G trong hoạt động chuyển đổi số của từng doanh nghiệp", ông Khánh nhận xét.

Cơ hội lớn

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng: Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Vì vậy, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh…

Người dùng thử nghiệm dùng 5G của một nhà mạng.

Người dùng thử nghiệm dùng 5G của một nhà mạng.

Liên quan đến IoT trong công nghiệp, ông Nguyễn Phong Nhã thấy rằng, mỗi nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều đang tìm thị trường riêng của mình, dựa vào hạ tầng đơn vị đã đầu tư để tìm cơ hội tiếp cận, triển khai dịch vụ, đồng thời nhắm đến thị trường ngách, học tập kinh nghiệm nước ngoài để đưa về Việt Nam.

“Ứng dụng mạng 5G sẽ tác động thay đổi công nghệ trong sản xuất. Nhà mạng nắm được nhu cầu thị trường để có giải pháp cho dịch vụ. Đơn cử, với khu công nghiệp của Việt Nam, khi đưa công nghệ 5G vào, cần thay đổi cách tiếp cận đối với việc mở rộng hay trang bị lại dây chuyền sản xuất. Điều này đòi hỏi phối hợp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (nhà mạng) với doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp phần mềm”, ông Nguyễn Phong Nhã đánh giá.

Nhà mạng cũng tăng cường tìm hiểu chính sách các ngành nghề, nhu cầu thực tế cũng như giải quyết tận cùng bài toán về đào tạo nghề mới cho những người lao động bị dư thừa khi áp dụng tự động hóa. Làm như vậy, mới có thể góp phần giải quyết bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. “Nếu chỉ cung cấp giải pháp tốt hơn mà không nhìn đến tận cùng vấn đề là lao động dư thừa, một số doanh nghiệp chắc chắn ngại ngùng giữa ứng dụng hay không ứng dụng công nghệ”, ông Nguyễn Phong Nhã nhận xét.

Trước câu hỏi làm thế nào để giảm chi phí khi đầu tư mạng 5G, ông Nguyễn Phong Nhã cho rằng, nhà mạng có thể chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng đã đầu tư để giảm chi phí. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có lộ trình dừng công nghệ 3G vào năm 2029, nếu doanh nghiệp thấy 3G đã hoàn thành sứ mệnh thì có thể đẩy nhanh tiến trình. Khi đó, chi phí vận hành, đầu tư giảm xuống và nguồn lực để dành cho thế hệ mạng tiếp theo như 5G, 6G.

Xuân Lâm/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuong-mai-hoa-mang-5g-thuc-day-xay-dung-ha-tang-so-20241230103516848.htm