Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Bớt kỳ vọng để thêm thành công

Mong ước của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một mối quan hệ Nga-Mỹ 'ổn định và dễ lường hơn' liệu có thành sau thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin? Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Thông điệp về xây dựng một mối quan hệ Nga-Mỹ nói riêng, Nga và phương Tây nói chung theo hướng “ổn định và dễ lường hơn” nhiều lần xuất hiện những ngày qua, từ bài báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden trên tờ The Washington Post ngày 5/6, đến nội dung thảo luận lẫn tuyên bố chung của thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh NATO.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy khó có thể kỳ vọng nhiều vào kết quả của thượng đỉnh Nga-Mỹ, bởi một vài lý do sau.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Geneve ngày 16/6. (Nguồn: CNN)

Gay gắt khi đối đầu

Thứ nhất, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đều có chung nhận định rằng quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lần đồng tình hiếm hoi giữa hai cường quốc thế giới này là có cơ sở, nếu nhìn vào bất đồng ngày một lớn giữa hai bên trong nhiều vấn đề.

Trong quan hệ Nga-Mỹ nói riêng, có thể kể đến việc Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào tiến trình dân chủ của Washington năm 2016/2020, hoạt động tấn công mạng của các cá nhân/tổ chức có trụ sở tại Nga vào cơ sở hạ tầng Mỹ, mới đây nhất là đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline, hay chuyện ông Joe Biden gọi ông Vladimir Putin là “kẻ giết người” sau một câu hỏi “bẫy”. Mới đây nhất, Moscow đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, khiến Mỹ và Nga chỉ còn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START).

Đó là chưa kể tới căng thẳng giữa Nga và các đồng minh phương Tây của Mỹ sau cáo buộc của một số quốc gia Đông Âu dẫn đến “ngoại giao trục xuất”, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và quan điểm đối lập về vấn đề Đông Ukraine, bán đảo Crimea, mới đây nhất là tranh chấp chủ quyền tại khu vực Bắc Cực.

Thực trạng về căng thẳng giữa phương Tây, đặc biệt là Nga-Mỹ phản ánh rõ nét qua tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh NATO, nơi mà Nga được “réo tên” lần lượt là 7 lần và 61 lần, áp đảo đảo hoàn toàn so với một “đối thủ” khác, nặng ký hơn nhiều của Mỹ là Trung Quốc. Từ ngữ sử dụng để nói tới Moscow cũng gay gắt hơn hẳn so với Bắc Kinh. Ví dụ, G7 yêu cầu Moscow chấm dứt hành vi “phá hoại và gây bất ổn… can thiệp vào tiến trình dân chủ” hay tấn công mạng, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Đông Ukraine với tư cách một bên tham gia.

Thực trạng về căng thẳng giữa phương Tây, đặc biệt là Mỹ-Nga phản ánh rõ nét qua tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh NATO, nơi mà Nga được “réo tên” lần lượt là 7 lần và 61 lần, áp đảo đảo hoàn toàn so với Trung Quốc, “đối thủ” nặng ký hơn nhiều với Mỹ.

Thận trọng trong hợp tác

Thứ hai, trước thực trạng quan hệ và chiến lược toàn cầu, cả Mỹ và Nga đều không đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp sắp tới này. Tuy nhiên, cả Washington lẫn Moscow đều ý thức rằng cần duy trì ổn định chiến lược, cùng nhau kiểm soát và quản lý mối quan hệ đặc biệt quan trọng này.

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn là thách thức toàn diện và mang tính cấu trúc lớn hơn so với Nga, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn ưu tiên hợp tác với Moscow trong các lĩnh vực cùng có lợi. Chính sách cứng rắn với Nga vẫn được duy trì, nhưng mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Một số thay đổi chính sách thực chất của Mỹ thời gian qua như gia hạn New START, điện đàm sớm ở cấp lãnh đạo, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là minh chứng rõ nét cho mong muốn thiết lập một mối quan hệ Nga-Mỹ “ổn định và dễ lường”

Khi ấy, thông điệp ông Joe Biden mang đến cuộc họp kéo dài 5 tiếng ngày 16/6 tại biệt thự Villa La Grange ở Geneva (Thụy Sỹ) không phải là “khởi động lại mối quan hệ” hay thể hiện thái độ gay gắt chống Nga. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ hướng tới đề cập tới một số bất đồng cốt lõi trong quan hệ song phương nhằm quản lý rủi ro, có thể là thông qua một cơ chế đối thoại Mỹ-Nga, đồng thời thảo luận về hợp tác trong một số lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Đối với các vấn đề toàn cầu, Nga-Mỹ có thể hợp tác về chống đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, cấm phổ biến vũ khí giết người hàng loạt…Về quan hệ song phương, ông Biden chắc chắn sẽ đề cập tới những điểm nóng như Đông Ukraine, bán đảo Crimea, và vấn đề về cáo buộc tin tặc Nga can thiệp các cuộc bầu cử, phá hoại các hoạt động kinh tế, quốc phòng hay sự khó chịu của Mỹ, EU về cách đối xử không công bằng của Nga với các nhân vật đối lập…Mỹ cũng cần tiếng nói và đóng góp tích cực của Nga trong giải quyết các thách thức nổi cộm như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Iran, xung đột ở Libya hay Syria…

Về phần mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ lần đầu tiên sau 3 năm trước thềm thượng đỉnh ngày 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng ông Biden là một “chính trị gia chuyên nghệp” và hy vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ không có bước đi vội vàng như người tiền nhiệm Donald Trump. Ông nhấn mạnh nước này sẵn sàng tìm kiếm hợp tác về giải quyết bất đồng với Mỹ. Tổng thống Nga đề xuất rằng hai bên có thể thiết lập cơ chế ứng phó với tội phạm trên Internet, thậm chí là ký một hiệp ước về dẫn độ tội phạm mạng nếu tình hình diễn biến thuận lợi.

Xét cho cùng, trong bối cảnh quan hệ song phương ảm đạm và chưa có dấu hiệu cải thiện, việc cả Washington và Moscow dè dặt trước thượng đỉnh Nga-Mỹ là hợp lý. Tuy nhiên, dư địa hợp tác song phương còn nhiều và trong một ngày nắng đẹp tại Geneva, với thiện chí từ lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bớt kỳ vọng để thêm thành công là vậy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-nga-my-bot-ky-vong-de-them-thanh-cong-148551.html