Thuế quan đối xứng của Mỹ: Những điều cần biết trước giờ G

Ngày 1/4, Nhà Trắng xác nhận rằng Tổng thống Donald Trump sẽ áp dụng mức thuế quan mới vào ngày 2/4, mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô và phạm vi cụ thể. Điều này khiến các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư lo lắng về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang ngày càng leo thang.

Tàu container của Hãng vận tải biển Trung Quốc COSCO cập cảng Long Beach, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN.

Tàu container của Hãng vận tải biển Trung Quốc COSCO cập cảng Long Beach, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN.

Trong nhiều tuần, Tổng thống Mỹ Trump đã không ít lần cho biết ngày 2/4 là "ngày giải phóng" với việc áp các mức thuế mới một cách đáng kể với nguy cơ đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu.

Theo CNN, người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt nhấn mạnh rằng thuế quan đối xứng nhằm trả đũa các quốc gia đã áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ. Các mức thuế mới này sẽ có hiệu lực ngay sau khi Tổng thống Trump công bố, trong khi mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ có hiệu lực vào ngày 3/4.

Theo Hạ nghị sĩ Mỹ Kevin Hern, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã cho biết rằng các mức thuế đối xứng mà ông Trump sắp công bố sẽ là một "giới hạn" của mức thuế cao nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Mức thuế này có thể giảm xuống nếu các bên đáp ứng yêu cầu của chính quyền Mỹ.

Tổng thống Trump đã áp thuế đối với hàng nhập khẩu nhôm và thép, đồng thời tăng thuế đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng nhiều lần đe dọa áp thêm các mức thuế khác nhưng sau đó lại hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Tuyên bố từ bà Leavitt cho thấy lần này dường như ông Trump sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình. "Tổng thống có một đội ngũ cố vấn xuất sắc, những người đã nghiên cứu các vấn đề này trong nhiều thập kỷ, và chúng tôi đang tập trung vào việc khôi phục thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ", bà Leavitt nói trong một cuộc họp báo.

Theo hãng tin Reuters, quyết tâm của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đang có sự bất ổn trong nội tại nền kinh tế Mỹ khi nước này đang quá tập trung vào vấn đề thuế quan. Điều này đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng, doanh nghiệp khi mà thuế quan đang khiến hoạt động kinh tế chậm lại và đẩy vật giá tăng cao.

Các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ở Atlanta trích dẫn dữ liệu từ một cuộc khảo sát gần đây cho thấy các giám đốc tài chính doanh nghiệp dự đoán thuế quan sẽ đẩy giá cả tăng lên trong năm nay, trong khi họ sẽ phải tính toán cắt giảm số lượng việc làm cũng như giảm tốc độ tăng trưởng.

Những đặc tính của thuế quan đối xứng và phản ứng của các nước

Theo báo Washington Post, các cố vấn của Tổng thống Trump đang cân nhắc một kế hoạch sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu lên khoảng 20% từ hầu hết mọi quốc gia, thay vì nhắm vào một số quốc gia hoặc sản phẩm nhất định. Tờ báo này cho biết chính quyền Mỹ kỳ vọng mức thuế mới có thể mang lại hơn 6.000 tỷ USD doanh thu, số tiền này có thể được chuyển đến người dân Mỹ dưới dạng các khoản hoàn thuế.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin thạo tin cho biết Đại diện Thương mại Mỹ đang chuẩn bị một phương án áp thuế trên diện rộng đối với một nhóm quốc gia nhất định, nhưng mức thuế này có thể không cao tới 20% như phương án thuế toàn diện.

Một cố vấn Nhà Trắng cho biết bất kỳ thông tin nào trước sự kiện ngày 2/4 đều chỉ là suy đoán. Các động thái của ông Trump đã làm gia tăng căng thẳng với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Canada tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan của riêng mình. "Chúng tôi sẽ không để các nhà sản xuất và người lao động Canada chịu thiệt thòi so với người lao động Mỹ", Thủ tướng Mark Carney tuyên bố tại Winnipeg.

Văn phòng Thủ tướng Canada cho biết ông Carney và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã thảo luận vào ngày 1/4 về kế hoạch của Canada nhằm "chống lại các biện pháp thương mại vô lý" từ phía Mỹ.

"Trước thời điểm đầy thách thức sắp tới, Thủ tướng Carney và Tổng thống Sheinbaum nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ năng lực cạnh tranh của khu vực Bắc Mỹ trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền của từng quốc gia", Văn phòng Thủ tướng Canada tuyên bố.

Các công ty Mỹ cho biết phong trào "mua hàng Canada" đang khiến sản phẩm của họ khó tiếp cận thị trường nước này hơn.

Nhiều quốc gia khác cũng đe dọa áp dụng các biện pháp đáp trả, mặc dù vẫn đang tìm cách đàm phán với Nhà Trắng để tránh bị áp thuế. Đến nay, mọi người gần như chưa rõ những tuyên bố áp thuế quan đối xứng của ông Trump có thành hiện thực thực vào ngày 2/4 hay không. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thạo tin, ông Trump có thể cân nhắc rút lại kế hoạch trong vài tuần tới khi nhiều cuộc đàm phán, thảo luận với các bên vẫn tiếp tục diễn ra.

Những rủi ro, thiệt hại từ thuế quan đối xứng đem đến không hề nhỏ

Ông Trump lập luận rằng người lao động và các nhà sản xuất Mỹ đã chịu thiệt hại trong nhiều thập kỷ do các thỏa thuận thương mại tự do - vốn giúp dỡ bỏ các rào cản thương mại toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhập khẩu trị giá 3.000 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump nhận định rằng sự bùng nổ của hoạt động nhập khẩu này cũng mang đến hệ lụy nghiêm trọng cho nước Mỹ. Khi đó, cán cân thương mại mất cân bằng nghiêm trọng giữa Mỹ và thế giới và nước này chịu mức thâm hụt thương mại hàng hóa lên tới hơn 1.200 tỷ USD.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng biện pháp áp thuế mạnh bạo của ông Trump có thể khiến giá cả tăng cao cả trong nước lẫn quốc tế, đồng thời gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu. Theo Phòng Ngân sách của Đại học Yale, mức thuế 20% bổ sung vào những mức thuế đã có sẽ khiến trung bình mỗi hộ gia đình Mỹ phải chịu thêm ít nhất 3.400 USD chi phí.

Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phần nào mất đà do sự bất ổn xuất phát từ cách tiếp cận của ông Trump trong hoạch định chính sách kinh tế.

Một loạt cuộc khảo sát đối với doanh nghiệp và hộ gia đình cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế Mỹ đang suy giảm khi cùng có chung mối lo ngại rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Lo lắng trước tình hình này, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trong hơn một tháng qua, làm mất gần 5.000 tỷ USD giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ giữa tháng 2. Phố Wall kết thúc phiên giao dịch hôm 1/4 trong trạng thái trái chiều khi các nhà đầu tư vẫn chờ đợi các nội dung chi tiết về một mức thuế quan đối xứng nhiều khả năng sẽ công bố vào ngày 2/4.

Những rủi ro không chỉ giới hạn ở Mỹ. Các nhà máy trên khắp thế giới, từ Nhật Bản đến Anh và Mỹ, đã chứng kiến hoạt động sản xuất giảm sút trong tháng 3 khi các doanh nghiệp chuẩn bị đối phó với mức thuế mới của ông Trump. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại ghi nhận mức tăng tạm thời do khẩn trương đẩy nhanh hàng hóa đến tay người tiêu dùng trước khi các biện pháp thuế có hiệu lực.

Theo Viện Quản lý cung ứng của Mỹ, hoạt động sản xuất tại Washington đã giảm sau 2 tháng tăng trưởng liên tiếp. Các nhà sản xuất hàng hóa cũng báo cáo rằng chi phí đầu vào đã chạm mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Thuế quan đã thường xuyên được nhắc đến như là nguyên nhân chính gây lo ngại cho các nhà quản lý nhà máy.

"Giá cả tăng trong khi hoạt động kinh doanh chậm lại cho thấy nền kinh tế có thể đang tiến vào giai đoạn đình lạm (hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao)", ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, nhận định.

Bình Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thue-quan-doi-xung-cua-my-nhung-dieu-can-biet-truoc-gio-g-20250402101010877.htm