'Thuế đối ứng 10%, các đối tác đòi 'cưa đôi' nhưng DN thường lợi nhuận dưới 5% thì làm sao chịu được'
Đó là chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tai Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 khi nói về tình cảnh của doanh nghiệp sau khi Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày và áp dụng mức 10%.
Bày tỏ trăn trở tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 17,4, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu "lấy công làm lãi", cạnh tranh dựa vào chi phí thấp nên giờ khi bị áp thuế sẽ rất khó khăn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho hay, qua sự kiện thuế đối ứng vừa qua, mới thấy rằng tính tự cường, năng lực tự đàn hồi của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như giày da, thủy sản, gỗ, hàng điện tử… đều rất yếu kém.
Hết thời doanh nghiệp "lấy công làm lãi"

Ông Ngô Sỹ Hoài,Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. (Ảnh: BTC).
"Chúng ta đang tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào các đầu vào chi phí thấp. Bao gồm nhân công chi phí thấp và nguyên vật liệu đầu vào còn tương đối rẻ. Đặc biệt như ngành gỗ - ngành thâm dụng lao động cao vẫn đang dựa vào hai lợi thế này", ông Hoài đánh giá.
Các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu lấy công làm lãi. Như chỉ với mức thuế trần 10% của Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp gỗ đã phải đôn đáo đàm phán với các đối tác.
"Các đối tác thường phản hồi là "cưa đôi", mỗi bên chịu một ít. Nhưng các doanh nghiệp với mức lãi suất thường ở dưới 5% làm sao có thể chịu được? Chưa nói đến mức thuế 46%", ông Hoài cho biết.
Thách thức thứ hai theo ông là các doanh nghiệp vẫn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Với ngành gỗ, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên đến 56,4% năm 2024, chỉ cần vài cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp theo Đạo luật của Mỹ là doanh nghiệp mất cân bằng.
Do đó, đại diện Hiệp hôịGỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, đến lúc phải nhìn lại chặng đường đã qua. Sắp tới chúng ta phải chấp nhận một kịch bản nhất định về thuế đối ứng.
“Tôi cho rằng đã đến lúc phải hi sinh tăng trưởng số lượng mà nâng hơn về chất lượng. Với ngành gỗ có thể phải làm ít sản phẩm đi nhưng sản phẩm giá trị cao. Mặc dù số lượng doanh nghiệp làm được điều này chưa nhiều nhưng họ không bị lung lay nhiều khi có thuế đối ứng. Họ là những 'chim đầu đàn' về phát triển bền vững”, ông Hoài nói.
Ngành gỗ đang trải qua thời kỳ rất khó khăn khi bị áp thuế đối ứng, tuy đang hoãn 90 ngày nhưng vẫn áp dụng mức 10% chung. Song song với đó ở trong nước, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vấn đề hoàn thuế, ông Hoài chỉ ra
Cần cơ chế để doanh nghiệp phát triển

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: BTC).
Nêu quan điểm khi các doanh nghiệp khó khăn ở bên ngoài thì trong nước cần được hỗ trợ tốt nhất, ôngNguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng năm nay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%.
Trong khi xuất khẩu khó khăn thì việc hỗ trợ doanh nghiệp để tăng trưởng nội địa sẽ là rất quan trọng. Theo ông, năm 2025 có đầu tư công lên 97 tỷ USD. Nếu các doanh nghiệp xây dựng được tham gia sâu trong các dự án đầu tư công thì đây sẽ là cơ hội hơn.
Như với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư là hơn 67 tỷ USD, dự kiến cuối 2026 sẽ khởi công, với 1.541 km đường sắt, 21 tỉnh thành có nhà ga, riêng phần xây dựng chiếm khoảng 40 tỷ USD.
"Với 1.541 km đường sắt tốc độ cao có tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, nếu chia ra làm khoảng 20 gói thầu thì mỗi gói thầu khoảng 2 tỷ USD, tương đương hơn 50.000 tỷ đồng", ông Hiệp nhấn mạnh đây là cơ hội lớn song cho biết đây cũng là thách thức không hề nhỏ. Bởi để có thể nhận thầu, các doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố năng lực tài chính.
Một vấn đề thứ hai là về thủ tục hành chính, trong đó vướng mắc hiện nay của các nhà thầu liên quan chủ yếu đến Luật Đấu thầu.
“Bản thân doanh nghiệp của chúng tôi có một dự án liên danh để tham gia đấu thầu tại một tỉnh vùng núi, khi trúng thầu thì một trong hai nhà thầu tham gia rút lui, dẫn tới địa phương không đồng ý… Vậy nên sau 8 tháng dự án này vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn dù đã thông tin để tìm hướng tháo gỡ đến các cơ quan liên quan” ,ông Hiệp dẫn chứng.
Ông cho rằng, hiện nay các văn bản pháp luật đưa ra đều lấy ý kiến, tuy nhiên, việc tiếp thu vẫn tương đối hạn chế, cho nên, thời gian tới nếu muốn nâng cao chất lượng văn bản thì cần có sự giải trình rõ ràng về việc tiếp thu và không tiếp thu trong quá trình lấy ý kiến để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng.
Thực tế, trong một số hoạt động liên quan đến các doanh nghiệp thực hiện các gói thầu bất động sản, một số thủ tục vẫn còn tương đối kéo dài, chưa được cắt giảm, một số thủ tục vẫn cần đến 5 - 6 con dấu.
“Tôi cho rằng, thay vì để hiện trạng này kéo dài thì nên cắt giảm để các thủ tục chỉ cần một con dấu, khi đó thì hoạt động của doanh nghiệp, cũng như môi trường kinh doanh sẽ được tạo thuận lợi thực chất” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) thì nêu kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về thị trường. Chúng tôi đề xuất cần chọn lọc các dự án FDI khi vào Việt Nam. Làm sao tạo ra các công ty đầu chuỗi là doanh nghiệp Việt.
"Chúng ta đã có những doanh nghiệp điển hình như Vinfast, Thaco khi họ đứng đầu chuỗi để đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu. Tuy nhiên, cần có những chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bởi để 'bàn tay' thị trường thì doanh nghiệp sẽ không chọn phát triển kinh doanh ở lĩnh vực chế biến chế tạo", bà Bình nói.
Bà cũng cho rằng, để thu hút điều này cần có chương trình startup tập trung vào các kỹ sư lành nghề. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích để nâng cao số lượng và năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó xây dựng một nền công nghiệp phát triển.