Thúc phát triển bền vững và tăng trưởng xanh bằng kế hoạch phát triển từng địa phương
Làm lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh cần hướng đến nhiều giải pháp để tăng tính hiệu quả.
Lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển của tỉnh
Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng 376.326 USD là số tiền Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ tiết kiệm được hàng năm do giảm suất tiêu thụ điện và nước khi thực hiện 185 giải pháp theo khuyến khích sản xuất sạch hơn trong Quyết định 1419/ QĐ-TTg. Chính quyền cấp tỉnh với nhiệm vụ hỗ trợ nhận thức và áp dụng sản xuất sạch hơn, đồng thời, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vai trò không nhỏ trong chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp này.
Tại cuộc hội thảo nghiên cứu lồng ghép mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức mới đây, đại diện ban nghiên cứu cho biết đã có một số chương trình được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh nhưng vẫn còn nhiều tồn tại khi thực hiện.
Ngay trong quy trình lồng ghép giữa các chương trình này vào kế hoạch cấp tỉnh, khoảng thời gian cho việc lập kế hoạch bị hạn chế và thường dựa trên nhưng bản kế hoạch có sẵn từ nhiều năm trước. Phương pháp tính toán các chỉ tiêu phát triển bền vững hay chỉ tiêu xanh cũng chưa có sự thống nhất. Nội dung các kế hoạch trên gắn với kế hoạch ngân sách còn yếu. Điển hình như với chiến lược sản xuất sạch hơn, Thông tư liên tịch giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương áp dụng cho các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Nhưng theo đại diện CIEM, thông tư không nêu được định mức nên không có cơ sở cho địa phương phân bổ ngân sách.
Theo phân tích của Ban Nghiên cứu, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là thiếu vắng khung pháp lý cho công tác kế hoạch. Cùng đó, trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng chưa xác định nội dung kế hoạch cấp tỉnh, cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu theo dõi và đánh giá…
Cần thêm cây gậy và củ cà rốt
Đồng tình với ý kiến của Ban Nghiên cứu về hệ thống khung khổ pháp lý, cơ sở pháp lý cho việc lập kế hoạch, nhưng theo TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng, Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xác định đây là giải pháp trong dài hạn. Còn trước mắt, một số giải pháp khác cần thực hiện trước.
Trong đó, bà Diệu Trinh cho rằng cần rà soát lại các hệ thống chỉ tiêu khi hiện đang cùng lúc tồn tại nhiều bộ chỉ tiêu từ các cơ quan. Một số chỉ tiêu về tăng trưởng xanh hay môi trường phát triển từng được đề xuất xây dựng từ 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Trong khi đó, một ví dụ điển hình là bộ chỉ số PCI đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đang cho thấy hiệu quả trong việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực tại các tỉnh. Nếu có thể đưa ra bộ chỉ số hoặc bổ sung chỉ tiêu về môi trường vào chỉ số PCI hiện tại, "củ cà rốt" này sẽ khuyến khích các tỉnh ưu tiên cho các mục tiêu này.
Về vấn đề nguồn tài chính cho việc lồng ghép các chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc , Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đánh giá hạn chế về ngân sách hiện nay là do một số mục tiêu chưa có ngân sách riêng. Ngoài ra, ưu tiên của chính quyền địa phương hiện vẫn là kinh tế rồi mới đến xã hội môi trường. Rất khó để mục tiêu nào cũng lập ngân sách riêng khi hiệu quả chưa cao không thể do sẽ dẫn đến phân tán ngân sách.
Vì vậy, TS. Đặng Đức Anh cho rằng không thể bỏ qua việc huy động nguồn lực ngoài xã hội. Đồng tình quan điểm trên, theo Ts. Diệu Trinh, nếu chỉ trông chờ ngân sách nhà nước miếng bánh rất nhỏ trong khi ngoài ngân sách địa phương còn nguồn lực khu vực tư nhân và nguồn tài trợ khác từ nước ngoài.
Với vai trò quan trọng của nguồn vốn bên ngoài, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng giải pháp cụ thể cho khu vực tư nhân là người chơi chính. Trong đó, cần ưu đãi bằng chính sách quyết liệt hấp dẫn hơn, tương tự như đã làm được trong thu hút vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo