Thực hư những vụ “thôi miên” cướp tài sản

(ANTĐ) - “Đang đi trên đường, đột nhiên bị người lạ chắn ngang đường, nhìn thẳng vào mắt, sau đó… không biết gì nữa” “ngồi trên xe buýt, sau vài cái huơ tay trước mặt của người ngồi cạnh, bỗng lâm vào trạng thái mê man”… Đó là hai trong số rất nhiều vụ trộm, cướp tài sản mà người dân trình báo đến cơ quan công an thời gian qua.

Gặp chị Đỗ Thị Huyền, 18 tuổi, quê Đông Hưng, Thái Bình, tại trụ sở Đội Điều tra hình sự - CAQ Long Biên, chúng tôi cũng như bị mê man bởi câu chuyện mà cô gái trẻ ấy là bị hại. Theo lời kể của chị Huyền, sáng 31-1, chị ra bến xe Gia Lâm để đón xe khách về Thái Bình. Khi đang đợi xe, đột nhiên có một phụ nữ khoảng 50 tuổi chủ động đến bắt chuyện. Với vẻ xởi lởi, người phụ nữ tỏ ra biết khá nhiều thông tin về chị Huyền, như quê quán, tên của một vài người hàng xóm. Khi câu chuyện đã trở nên thân mật, người phụ nữ đột ngột thì thào với chị Huyền: “Con có tiền nong mang theo thì phải cẩn thận, trộm cắp ở Hà Nội nhiều lắm. Nó mà để ý đến con thì chỉ có... trắng tay”. Vừa nói, người phụ nữ vừa dùng tay thấm lên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của chị Huyền. Nghe cảnh báo của người phụ nữ, chị Huyền chột dạ, nhét chiếc ví và điện thoại di động vào túi xách. Sau đó, tự nhiên chị Huyền thấy người rũ ra, phải tựa vào người phụ nữ cho đỡ choáng váng. Trạng thái mất cân bằng diễn ra vài phút, sau đó, người phụ nữ nói có công việc phải giải quyết, chào chị Huyền rồi bỏ đi. Đến khi lên xe ôtô, kiểm tra lại túi xách, chị Huyền mới phát hiện ví tiền và điện thoại di động đã biến mất. “Rõ ràng bà ta đã giả vờ thân thiện, tiếp cận em để gây mê, lấy đi tài sản. Lúc bà ta lau mồ hôi cho em chính là lúc em bị đánh thuốc mê” - chị Huyền quả quyết. Câu chuyện bị “đánh thuốc mê” của chị Huyền có tình tiết na ná vụ việc xảy ra ở bến xe Gia Lâm, sáng 28-1. Người trình báo đến CAP Gia Thụy việc bị lấy mất tài sản là chị Lê Thị Hoa, 37 tuổi, quê An Lão, Hải Phòng. Hôm đó, chị Hoa đi xe buýt xuất phát từ bến xe Gia Lâm. Trên xe, chị Hoa ngồi cùng một phụ nữ trạc 50 tuổi. Một nhóm đối tượng chuyên dùng thuốc ngủ cướp tài sản bị công an bắt giữ Cũng vẫn màn hỏi chuyện, kết thân, nhưng ánh mắt của người phụ nữ luôn bám chặt vào chiếc túi xách mà chị Hoa ôm trong lòng. Ngồi một lúc, người phụ nữ lấy ra chiếc túi nilon, nhờ chị Hoa chuyển cho một người đàn ông đang ngồi ở hàng ghế bên kia. “Thế rồi không hiểu vì sao sau đó, tôi lại đưa chiếc túi của mình cho người phụ nữ. Thời gian tôi nhờ chị ta cầm túi khoảng 5 phút. Cho đến khi xuống xe, tôi mới phát hiện số tiền trong túi gần 20 triệu đồng đã không còn” - chị Hoa kể lại, giọng vẫn chưa hết ngẩn ngơ. Theo thống kê của Cục Nghiệp vụ Bộ Công an, sự việc cũng như đơn trình báo bị cướp tài sản dưới hình thức “gây mê, thôi miên” chiếm nhiều nhất liên quan đến đối tượng người nước ngoài. Bị hại của những vụ việc này không chỉ là những người dân bình thường, mà cả doanh nghiệp tư nhân, quốc doanh. Điển hình là vụ việc xảy ra tại một ngân hàng trên phố Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm. Hôm đó, có 2 người nước ngoài (một nam, một nữ) đến đổi 100 USD. Trong quá trình giao dịch, 2 vị khách này liên tục thay đổi yêu cầu, khi đổi sang tiền Việt Nam, lúc lại đổi sang USD lẻ. Cho đến khi họ ra về, cô nhân viên mới phát hiện đã bị khách rút lõi mất 2.600 USD. Trò đổi tiền, rút lõi này cũng từng xảy ra tại cửa hàng bán đàn Organ trên phố Khâm Thiên. Chị Nhung - chủ cửa hàng, trưa hôm ấy đang buồn ngủ thì đột ngột có 2 người đàn ông bước vào. Họ xì xồ tiếng nước ngoài và dùng tay ra hiệu muốn mua đôi tai nghe trị giá 60.000 đồng. Chọn xong hàng, 2 vị khách nước ngoài đưa chị Nhung tờ 100 USD. Chị Nhung sợ tiền giả nên không nhận. Thấy vậy, 2 người này đưa tờ 500.000 đồng. Chị Nhung lấy tập tiền bán hàng để trong tủ, rút 440.000 đồng (loại 20.000 đồng) trả lại khách. Nhưng, cả hai vị khách đồng loạt xua tay, ra hiệu muốn lấy tờ tiền 100.000 đồng. Chị Nhung lấy tập tiền 100.000 đồng ra. Sau khi 2 người khách ra khỏi cửa hàng, chị Nhung giật mình kiểm lại tập tiền, thấy mất 3 triệu đồng. Tường trình tại cơ quan công an, cả nhân viên của ngân hàng lẫn chị Nhung đều cho biết, thời gian giao dịch đổi tiền chỉ vài giây, vậy mà kẻ gian đã rút lõi được số tiền lớn. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, có lúc các bị hại không làm chủ được bản thân mình. Nghi án liên quan đến những “phù thủy” người nước ngoài mới đây đã được lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an đúc kết, cảnh báo thành thủ đoạn mới của tội phạm có yếu tố nước ngoài. Nhóm tội phạm gây án gồm 2 đối tượng trở lên, chủ yếu mang quốc tịch Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước thuộc châu Phi. Các đối tượng đến các cửa hàng kinh doanh, ngân hàng, vờ mua các mặt hàng có giá trị thấp nhưng dùng tiền có mệnh giá cao hoặc ngoại tệ để thanh toán. Khi chủ cửa hàng tìm tiền trả lại, chúng tiếp cận nơi để tiền, yêu cầu chọn tiền, đổi đi đổi lại nhiều lần rồi lợi dụng sơ hở để trộm cắp. Thực tế bắt giữ các vụ người nước ngoài trộm cắp tiền bằng các thủ đoạn như trên, nhiều đối tượng thừa nhận đã dàn dựng màn kịch nói liên tục, dùng tay chỉ trỏ, va chạm khiến người bán hàng mất tập trung. Tranh thủ thời điểm này, đối tượng ra tay trộm cắp rồi tẩu thoát. Mặt khác, tâm lý nhiều người Việt Nam rất thích bán hàng cho người nước ngoài vì có thể lấy tiền cao hơn so với bán cho người Việt Nam. Do đó, khi người nước ngoài đề nghị đổi tiền, họ không mảy may nghi ngờ, có khi đưa cả tập tiền cho khách lựa chọn. Cùng với việc nhận diện phương thức phạm tội này, câu trả lời có hay không thủ đoạn thôi miên, gây mê để trộm cắp, cướp tài sản cũng đã được cơ quan công an lý giải.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=70561&channelid=80