Thực hiện hiệu quả hoạt động phối hợp bảo vệ môi trường

UBND huyện Cao Lãnh đã triển khai các văn bản, chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật các quy định mới về bảo vệ môi trường; triển khai văn bản hướng dẫn đánh giá tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, góp phần vận động người dân cùng chính quyền hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

Học sinh huyện Cao Lãnh tham gia hoạt động đổi rác lấy quà do Huyện đoàn Cao Lãnh phối hợp các đơn vị tổ chức

Học sinh huyện Cao Lãnh tham gia hoạt động đổi rác lấy quà do Huyện đoàn Cao Lãnh phối hợp các đơn vị tổ chức

UBND huyện ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về tăng cường quản lý, phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và lồng ghép các mô hình phân loại rác thải nhựa do các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức. Đến nay, đã thành lập thực hiện và duy trì 41 mô hình “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông” với 1.126 thành viên, 3.315 “Tổ biến rác thải nhựa thành tiền” với hơn 4.900 thành viên. Các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện không sử dụng sản phẩm từ nhựa khó phân hủy, giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại cơ quan đơn vị, trong các cuộc họp, chọn sử dụng ly thủy tinh, sành thay thế.

Ngoài ra, để phân loại, thu gom tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, tại UBND các xã, thị trấn đã bố trí hơn 13.000 thùng chứa rác các loại trên các tuyến đường, liên kết với 37 cơ sở thu mua phế liệu để thu gom rác thải nhựa trên địa bàn. Đồng thời tổ chức 79 cuộc tập huấn, tuyên truyền với trên 7.900 lượt người dân tham dự, nội dung tuyên truyền về phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về thu gom rác thải sinh hoạt, phân loại chất thải tại nguồn được các ngành, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống Đài truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh xã, thị trấn phát thanh 2 ngày/tuần. Các phòng chuyên môn huyện triển khai tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được 8 lớp với 656 người tham dự. Cùng với đó, tuyên truyền phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trên địa bàn huyện năm 2024 tại các xã, thị trấn với hơn 8.100 lượt người tham dự.

Công tác tổ chức thu gom và xử lý chất thải tại các làng nghề trên địa bàn như: Làng nghề dệt chiếu tại ấp Bình Hòa, ấp Bình Linh và ấp Bình Phú Lợi (xã Bình Thạnh), Làng nghề đan thảm, lục bình (xã Mỹ Hiệp) và Làng nghề đan các sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình tại ấp Mỹ Đông Bốn (xã Mỹ Thọ) được đảm bảo, không có hoạt động làm phát sinh ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đa số các loại phế thải (lá, lục bình...) đều được các hộ dân làm nghề tận dụng lại làm chất đốt hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Chất thải rắn sinh hoạt được Công ty CP cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã ký các kế hoạch liên tịch về việc phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2024. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai truyền thông hướng dẫn về phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hạn chế rác thải nhựa tại 7 xã: Ba Sao, Phương Thịnh, Phương Trà, Nhị Mỹ, Tân Hội Trung, Bình Hàng Trung và Mỹ Thọ với 385 người tham dự, hỗ trợ 70 thùng ủ phân. Hội Nông dân huyện triển khai thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện, thực hiện mô hình “Nông dân tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”, ký kế hoạch triển khai mô hình “Vườn ươm cây xanh”; thực hiện mô hình “Dòng sông không rác” tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024. Với sự quan tâm của chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của người dân, hoạt động phân loại rác thải từng bước được triển khai sâu rộng góp phần nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

D.C

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/moi-truong/thuc-hien-hieu-qua-hoat-dong-phoi-hop-bao-ve-moi-truong-130436.aspx