Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Bộ Công Thương đề xuất gì?

Nhằm thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực.

Còn nhiều nhiệm vụ nặng nề

Từ đầu năm tới nay, Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Tính đến hết quý I/2024, về công tác chỉ đạo, điều hành Bộ Công Thương đã hoàn thành: Tham gia ý kiến Thành viên Chính phủ về Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua).

Tham gia ý kiến thành viên Hội đồng Thẩm định nhà nước về dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; ban hành công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Kiểm toán Nhà nước; xây dựng Kế hoạch điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Bộ Công Thương…

Điện nông thôn-một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh (Vân Anh)

Điện nông thôn-một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh (Vân Anh)

Tuy nhiên, do chậm được phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình của Bộ.

Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ còn khá nặng nề, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả các hoạt động.

Trong đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về thực hiện các để nhân ra diện rộng.

Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (cấp tỉnh/huyện/xã) để tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng; tiếp tục huy động đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện các chương trình (bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là việc rà soát, xác định công nhận hộ nghèo định kỳ hàng năm để xác định đúng đối tượng, tránh bị lợi dụng trục lợi chính sách, làm sai lệch chính sách của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện, ban hành văn bản hợp nhất về hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.

Đề xuất từ thực tiễn

Nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, nâng cao hơn nữa thực hiện xã hội hóa việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ ở các địa phương với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi. Cần có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các chợ dân sinh, có chế độ ưu đãi đối với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đối với các xã miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo, một số khu vực hộ dân sinh sống chưa có đường giao thông, xung quanh núi đồi; hộ dân sinh sống rải rác, không tập trung nên phải đầu tư dàn trải với khối lượng lưới điện và chi phí đầu tư lớn. Trong khi nguồn vốn do ngành điện đầu tư chủ yếu là vốn vay, phải đánh giá hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn sau khi đầu tư. Do đó, những khu vực này cần có nguồn vốn khác như từ ngân sách, vốn vay ưu đãi... để đầu tư cấp điện cho hộ dân.

Bộ Công Thương cũng đề nghị, xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, do không còn phù hợp với giai đoạn mới (2021 - 2025).

Xem xét, thay đổi địa bàn phân công thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giúp thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi tổng quan hơn đối với việc thực hiện các chương trình, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, vùng, miền trên cả nước.

Về những khó khăn, vướng mắc của Bộ Công Thương cũng như của các Bộ, ngành khác trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 ghi nhận. Chủ trì phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, sau khi lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, áp lực giải ngân năm 2024 rất lớn; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn tại một số địa phương có dấu hiệu xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư, duy tu, sửa chữa do hạn chế về nguồn vốn; nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn do sụt giảm các nguồn thu; năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số địa bàn, cơ quan, đơn vị còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có tình trạng một số địa phương không muốn hoàn thành thủ tục công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc thoát nghèo; công tác phối hợp, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giữa các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa thực sự hiệu quả …

Trong thời gian tới, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao, quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao trong năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu, các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu quả hơn, chất lượng hơn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, chủ động, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai thực hiện ngay các cơ chế, chính sách đặc thù; chủ động rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong phạm vi, lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để được hướng dẫn, xử lý...

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-bo-cong-thuong-de-xuat-gi-322272.html