Thức đêm cùng Tháp Bà Ponagar

Trong đêm, Tháp Bà Ponagar rực sáng trong những ánh đèn, đưa du khách hòa mình vào thế giới huyền ảo của tín ngưỡng, tôn giáo người Chăm.

Trước tình trạng thiếu các điểm vui chơi, tham quan và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, Sở Văn hóa thông tin Khánh Hòa đã dàn dựng và giới thiệu Chương trình thực cảnh “Đêm soi dáng tháp” tại Tháp Bà Ponagar. Chương trình diễn ra vào đêm rằm tháng 11 ( 27/12/2023) với sự thực hiện của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng và một số diễn viên nghệ nhân Chăm.

Chương trình bắt đầu lúc 19h ở dưới chân tháp. Cô thuyết minh giới thiệu về sự hình thành của Tháp Bà, khách di chuyển đến nơi có những cột tròn bằng gạch, chứng kiến nghi lễ thờ Mẫu của người Chăm. Cuộc hành trình tiếp tục lên những bậc cấp, lên khu vực 4 tháp chính. Trong đêm huyền ảo, các diễn viên biểu diễn những điệu múa đặc sắc của người Chăm. Sau đó là nghi lễ thắp hương tại tháp chính. Khách tiếp tục tham quan, trải nghiệm với nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Chăm Bàu Trúc và gian hàng viết thư pháp.

Chương trình biểu diễn thực cảnh ngay tại sân tháp, kéo dài 60 phút vô cùng đặc sắc với các màn múa quạt, múa lu, hát mẫu và biểu diễn ba loại nhạc cụ của người Chăm: trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng... Kết thúc đêm Ponagar là màn giao lưu hòa điệu giữa khách và diễn viên.

Nằm ở ngọn đồi Cù Lao cao trên 20m, ngay trung tâm thành phố Nha Trang, theo tài liệu của các nhà nghiên cứu từ các tài liệu lưu lại được thì trước đó, dưới vương triều Panduranga, cuộc di chuyển kinh đô đã diễn ra, việc xây dựng cụm tháp gồm 5 tháp lớn nhỏ khác nhau, hiện nay có một tháp đã bị mất dấu vết. Theo tài liệu cũ có được thì những nhà xây dựng đầu tiên đã bị tàn phá do chiến tranh. Năm 774 cụm tháp được vua Satysuaman tiến hành xây dựng lại và tiếp tục bị tàn phá. Cụm tháp hiện tại được xây dựng vào năm 965 bởi chính vua Jaya Indravarman I.

Trong tháp chính cao 22,48 mét và đặt tượng nữ thần Ponagar bằng đá, đó là mẫu tượng trước kia làm bằng vàng đã bị cướp bóc. Tượng cao 260cm có 10 tay ngồi trên một Yoni lớn vuông vức cạnh 150cm.

Quần thể Tháp bà Nha Trang đã tồn tại trên 10 thế kỷ, sự tồn tại của quần thể 4 tháp còn lại đã trở thành một nét văn hóa Chăm độc đáo trong lòng thành phố biển Nha Trang. Tượng Nữ thần Ponagar hiện nay đã được phục chế do bị mất đầu và chân tay bị vỡ.

Việc phục chế trước đo không có quy định, ở trên chiếc đầu gỗ không phù hợp với thân hình, những vết hàn chân tay có thể chỉ do những người thợ bình thường sửa chữa nên trông không đẹp. Riêng Tháp chính còn gọi là Tháp Bà cao nhất tới 22,48 mét có thờ tượng Ponagar đã trở thành nơi thờ kính linh thiêng cho cả khu vực.

Vào những ngày trước vía Bà tức là ngày ngày 23 - 03 âm lịch hàng năm, lễ hội thay áo và tắm Bà. Lễ hội kéo dài 3-4 ngày, có ít vài ngàn du khách đến ăn ở làm lễ. Việc xin được may áo cho Bà của những người giàu có là chuyện bình thường. Nước tắm Bà bằng nước thơm của các loại hoa được tín hữu đem về như là nước quý.

Tháp Bà Ponagar luôn là sự chọn lựa hàng đầu của du khách nước ngoài khi đến Nha Trang. Việc đưa chương trình thực cảnh tham quan đêm Tháp Bà sẽ đưa vào hoạt động định kỳ phục vụ khách du lịch, nhất là vào các ngày 14 và 15 âm lịch, là những ngày trăng tròn, tạo cảm giác cho du khách tận ngắm Tháp Bà Ponagar trong đêm trăng..

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/thuc-dem-cung-thap-ba-ponagar-c9a66079.html