Thúc đẩy gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, cũng như chất lượng lao động. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ, TB&XH) làm tốt nhiệm vụ đầu mối hỗ trợ các cơ sở GDNN gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động.
Thúc đẩy gắn kết giáo dục nghề n
Phong phú hình thức hợp tác
Đại diện lãnh đạo Sở LĐ, TB&XH thông tin, đến thời điểm này, có 4 cơ sở GDNN có hợp tác thường xuyên với doanh nghiệp gồm các trường: Cao đẳng Nghề Bình Thuận, Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, Cao đẳng Y tế Bình Thuận và Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận. Các trường đều có bố trí bộ phận làm đầu mối gắn kết với doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nhiều hình thức hợp tác với doanh nghiệp. Trong đó, hình thức hợp tác phổ biển nhất là đào tạo theo đơn đặt hàng; ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc cung ứng lao động cho doanh nghiệp; phối hợp tổ chức thực hành, thực tập tốt nghiệp cho HSSV tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN còn cử giáo viên cùng doanh nghiệp tham gia quản lý HSSV thực tập tại doanh nghiệp; hợp tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, thường xuyên tiếp nhận thông tin tuyển dụng từ doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho HSSV chuẩn bị tốt nghiệp và đã tốt nghiệp.
Ngoài ra, các trường còn mời doanh nghiệp trực tiếp tham gia và xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo của nhà trường; mời cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đang làm việc tại doanh nghiệp tham gia giảng dạy một số mô đun kỹ năng trong chương trình đào tạo của trường. Trong năm 2019, các cơ sở GDNN đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 14.327 người, đạt 130% kế hoạch. Số lao động qua đào tạo tại các cơ sở GDNN đa số được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm. Trong đó đối với các nghề như công nghệ kỹ thuật, may công nghiệp, dịch vụ du lịch được doanh nghiệp tuyển dụng đạt trên 95%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh tuyển mới tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 5.500 người, đạt 50% kế hoạch. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.000 người, đạt 50% kế hoạch...
Theo nhận định của đại diện lãnh đạo Sở LĐ, TB&XH, mặc dù mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được phát triển rộng khắp với 25 cơ sở GDNN nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Tỷ lệ đào tạo lao động trực tiếp cho doanh nghiệp của các trường còn ít so với quy mô tuyển sinh của các trường. Mặt khác, quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường còn mang tính đáp ứng nhu cầu trước mắt, chưa có cam kết lâu dài. Một số cơ sở GDNN chưa chủ động mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình. Nội dung chương trình và giáo trình đào tạo chưa kịp đổi mới, chỉnh sửa theo hướng vừa tiếp cận công nghệ tiên tiến vừa đáp ứng theo yêu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hợp tác 3 bên
Lãnh đạo Sở LĐ, TB&XH cho biết thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động. Cùng với đó, chủ động phối hợp với doanh nghiệp để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, trên cơ sở đó để triển khai các hoạt động đào tạo phù hợp. Song song, đẩy mạnh hợp tác 3 bên Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp trong GDNN. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác như: xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; khuyến khích người lao động có tay nghề cao trong doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Hợp tác cho sinh viên vừa học vừa làm tại cơ sở GDNN và doanh nghiệp; hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng và cấp chứng chỉ cho lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đẩy mạnh hợp tác giữa GDNN với doanh nghiệp.
Mặt khác, phát triển đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Thuận. Thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức tốt việc điều tra cung - cầu lao động và nhu cầu học nghề. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy nghề và thị trường lao động, dự báo thị trường lao động để hỗ trợ và tạo điều kiện cho người lao động tự tìm kiếm việc làm, người sử dụng lao động tuyển lao động theo nhu cầu.
THU HÀ