Thúc đẩy công nghệ cơ khí và tự động hóa
Hiện nay, công nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của cả nước. Do đó, việc tìm 'đòn bẩy' khoa học và công nghệ nhằm phát triển lĩnh vực chủ lực này đang được Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai.
Xác định rõ những khó khăn cần tìm giải pháp tối ưu, Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn từ nay đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa” (Chương trình KC.03/21- 30) đã phối hợp Vụ Công nghệ cao, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức nhiều cuộc xin ý kiến góp ý của các nhà khoa học để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Cơ khí-tự động hóa là quá trình sử dụng công nghệ, thiết bị để thực hiện các công việc hoặc quy trình mà trước đây cần đến sự tham gia trực tiếp của con người. Mục tiêu cao nhất của tự động hóa là tăng năng suất, cải thiện chất lượng và tiết kiệm thời gian cũng như chi phí lao động.
Thời gian qua, Chính phủ có nhiều định hướng, chính sách để phát triển ngành cơ khí-tự động hóa. Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Ngày 30/12/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa. Triển khai chủ trương thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng cơ khí-tự động hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình KC.03/21-30.
Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.03/21-30 cho biết, trong nhiều cuộc xin ý kiến nhà khoa học, Ban Chủ nhiệm mong muốn được chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo, thảo luận xu hướng phát triển công nghệ nhằm thúc đẩy ngành cơ khí-tự động hóa. Với Việt Nam hiện nay, đây là hai lĩnh vực có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Thị trường tự động hóa toàn cầu năm 2024 là hơn 200 tỷ USD và đến năm 2030 là khoảng 400 tỷ USD. Riêng về robot, theo Statista, doanh thu thị trường robot dự kiến sẽ đạt 46,11 tỷ USD vào năm 2024, đến năm 2030, 80% số con người sẽ tương tác với robot thông minh hằng ngày. Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia thị trường tự động hóa thế giới.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, cần giải quyết được mối quan hệ giữa công nghệ-thị trường, vừa đầu tư vào nghiên cứu các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phải đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, đột phá, có tính dẫn dắt, làm thay đổi, tạo ra thị trường mới, không gian phát triển mới cho ngành.
Ông Hoàng Anh Tú nhấn mạnh về mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và các yêu cầu của Chương trình KC.03/21-30, gồm: xu hướng công nghệ của cơ khí-tự động hóa, để làm căn cứ định hình mục tiêu nghiên cứu; đề xuất các vấn đề, nhóm vấn đề mà cơ khí-tự động hóa có thể giải quyết được để tìm kiếm xác định nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Qua các lần trao đổi, góp ý kiến, PGS, TS Bùi Quốc Khánh, Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, vì thực hiện đề tài sẽ giúp thay đổi tư duy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bám theo yêu cầu của thị trường, qua việc thực hiện, đề tài sẽ đổi mới, phát triển nội lực của mình. Cú huých từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, doanh nghiệp sẽ thay đổi tư duy làm kinh tế và xây dựng được đội ngũ có trình độ, có tư duy để phát triển doanh nghiệp.
Từ góc độ của một đơn vị nghiên cứu, PGS, TS Lê Thu Quý, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ hàn và xử lý bề mặt, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công thương cho rằng, đóng góp của Chương trình KC.03/21-30 vào các hoạt động khoa học và công nghệ rất đa dạng, theo nhu cầu phát triển thực tế.
PGS, TS Lê Thu Quý mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có định hướng đặt hàng theo chùm đề tài nhằm giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính chiến lược, có tính ứng dụng lâu dài như việc xây dựng công nghệ đường sắt tốc độ cao... Theo đó, cần có sự kết hợp giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết các “đơn đặt hàng” của Nhà nước.
Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay khi tiến hành các thủ tục để nhận được kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, kỹ sư Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Think Smart cho biết, do quy trình thực hiện đề tài còn phức tạp và mất nhiều thời gian chờ giải ngân, trong khi doanh nghiệp cần vốn nhanh để kịp cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cho nên chậm trễ sẽ làm mất thời cơ và lợi thế kinh doanh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-cong-nghe-co-khi-va-tu-dong-hoa-post858267.html