Thư viện - Đích nhắm mới của tin tặc

Cuộc tấn công bằng mã độc (ransomware) hồi tháng 10 năm ngoái vào Thư viện quốc gia của Vương quốc Anh (Thư viện Anh, ảnh) khiến cho hệ thống số hóa của thư viện bị gián đoạn. Dự kiến, đến giữa tháng 4 này, hệ thống mới được khôi phục hoàn toàn. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn của những tài nguyên kỹ thuật số.

Việc Thư viện Anh - kho lưu trữ hàng triệu cuốn sách, bản thảo và các tài liệu quan trọng từ nhiều thế kỷ - bị nhóm Rhysida tấn công gây ảnh hưởng đến sinh viên và học giả trên toàn thế giới không phải là chuyện lạ trong giai đoạn tấn công mạng đang gia tăng nhanh tại Anh hiện nay. Một loạt dịch vụ trên khắp thư viện đã bị đóng cửa do sự cố này, bao gồm cả quyền truy cập vào danh mục trực tuyến của thư viện - được Giám đốc điều hành Thư viện Anh Roly Keating mô tả là “một trong những bộ dữ liệu quan trọng nhất đối với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới”.

Nhóm này đã đánh cắp 600GB dữ liệu, bao gồm thông tin chi tiết về người dùng dịch vụ để tống tiền. Theo The Record, bên cạnh việc lấy cắp dữ liệu và mã hóa máy chủ, Rhysida còn phá hủy các máy chủ để ngăn cản quá trình khôi phục hệ thống, gây ra thiệt hại nặng nề nhất cho Thư viện Anh. Theo chuyên gia, các cuộc tấn công mạng ngày càng mạnh mẽ và gây rối hơn bao giờ hết, các tổ chức đằng sau những cuộc tấn công này ngày càng tiên tiến về kỹ thuật và sẵn sàng phá hủy toàn bộ hệ thống kỹ thuật một cách tàn nhẫn.

Theo Computer Weekly, Thư viện Anh thừa nhận lỗ hổng trước một cuộc tấn công như vậy đã trở nên trầm trọng hơn do phụ thuộc vào các ứng dụng cũ mà hiện không thể sửa được, vì chúng hoàn toàn lỗi thời, hoặc không thể chạy an toàn. Nhiều hệ thống cần được xây dựng lại từ đầu, nhưng nhìn vào mặt tích cực, Thư viện Anh có cơ hội vàng để chuyển đổi cách sử dụng và quản lý công nghệ và áp dụng các phương pháp hay nhất về bảo mật cũng như triển khai các chính sách, quy trình phù hợp.

Điểm tích cực là Thư viện Anh đã chọn sự minh bạch sau khi trải qua cuộc tấn công mã độc từ nhóm Rhysida bằng cách công bố thông tin chi tiết về vụ xâm nhập, phản ứng từng bước của thư viện (trong đó có từ chối trả phí tống tiền cho bọn tội phạm) và những bài học mà thư viện đã rút ra để giúp các tổ chức khác lập kế hoạch và tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng tương tự. Cũng trong khoảng thời gian Thư viện Anh bị tấn công, Thư viện Công Toronto (TPL) của Canada cũng phải chịu một cuộc tấn công bằng mã độc, hệ thống máy tính bị đóng cửa, 1 triệu cuốn sách bị “mắc kẹt”, mới được trở lại kệ hồi tháng 2 mới đây. 100 chi nhánh của TPL - thư viện công cộng đô thị bận rộn nhất thế giới - hiện vẫn đang từng bước phục hồi.

Internet và công nghệ số hóa tài liệu có vẻ đã mang đến cho ngành thư viện và xuất bản một sự bất tử mới… nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu. Hỏa hoạn, trộm cắp không còn là mối đe dọa lớn duy nhất mà thư viện và các kho lưu trữ phải đối mặt.

Các đối tượng tấn công mạng giờ đây không chỉ nhắm vào các dịch vụ công, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp… mà cả các thư viện lớn, kéo theo nguy cơ chỉnh sửa thông tin, thậm chí bóp méo lịch sử.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-vien-dich-nham-moi-cua-tin-tac-post733377.html