Thủ tướng dự Hội nghị toàn quốc biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ IV, giai đoạn 2018 - 2023.

Hội nghị có thông điệp: "Phát huy vai trò người cao tuổi làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương tinh thần mạnh mẽ, nghị lực, ý chí nỗ lực vươn lên của người cao tuổi trên cả nước mà 273 đại biểu có mặt tại Hội nghị là những đại diện tiêu biểu. Đây thực sự là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, tạo động lực, lan tỏa tinh thần tích cực cho thế hệ mai sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Người cao tuổi không chỉ có công sinh thành, dưỡng dục con cháu về nhân cách, giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội mà còn là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau.

Thủ tướng cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò của người cao tuổi; Người từng căn dặn: "… Một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc…"; "… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo".

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu đến dự hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu đến dự hội nghị.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành, triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách để người cao tuổi được chăm sóc ngày càng tốt hơn, như: Chỉ thị 59 của Ban Bí thư (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi (năm 1995); Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 21 -NQ/TW) về công tác dân số trong tình hình mới; Luật Người cao tuổi 2009; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030…

Hằng năm có 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Trên 77 nghìn câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia.

Các phong trào thi đua "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi", "Tuổi cao - Gương sáng" do Trung ương Hội Người cao tuổi phát động đã phát triển sâu rộng, được các cấp Hội và đông đảo người cao tuổi cả nước hưởng ứng, đạt được nhiều kết quả thiết thực. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khích lệ, động viên và phát huy ý chí, kinh nghiệm của người cao tuổi khi còn sức khỏe, có điều kiện, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu làm kinh tế giỏi để tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự hội nghị.

Mỗi năm, hàng chục nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi được tôn vinh trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại…; thể hiện ý chí và tinh thần quyết tâm cao, tận dụng thời cơ để làm kinh tế có hiệu quả, làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, mang lại lợi ích cho gia đình, tập thể, cho quê hương đất nước. Đồng thời, nhiều người cao tuổi quan tâm tới lợi ích của cộng đồng, xã hội; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người lao động. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19, nhiều người cao tuổi đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ, hỗ trợ những người yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn...

Thủ tướng cho biết, giai đoạn phát triển mới mang lại cho nước ta những thời cơ, vận hội nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục bảo vệ, chăm sóc ngày càng tốt hơn, đồng thời phát huy vị trí, vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh của người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh phong trào thi đua "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi".

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số nhanh hiện nay; nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và xây dựng tổ chức hội vững mạnh; coi người cao tuổi là nguồn lực cho phát triển; tạo điều kiện để người cao tuổi thực sự là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội.

Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đối với người cao tuổi nêu tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 7/8/2023 của Chính phủ về: ưu tiên xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo có người cao tuổi; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội; bao phủ bảo hiểm y tế... Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Người cao tuổi trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu.

Bên cạnh đó, các cấp, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, sự đóng góp của người cao tuổi và các cấp hội người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc người cao tuổi; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong phong trào "Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi", phấn đấu để người cao tuổi có cuộc sống ngày càng tốt hơn, có điều kiện thuận lợi nhất để làm giàu cho gia đình và xã hội…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành trao Biểu chương tôn vinh đội ngũ người cao tuổi làm kinh tế giỏi năm 2023.

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết: Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói: "Tuổi cao, ý chí càng cao". Người cao tuổi nước ta thực sự là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".

Việt Nam là quốc gia có xu hướng già hóa rất nhanh. Theo cơ sở dữ liệu thống kê, hiện nay, cả nước có gần 17 triệu người cao tuổi, có trên 7 triệu người vẫn đang tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh. Gần 750 ngàn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở. Trên 300 ngàn người tham gia các tổ hòa giải và an ninh, trật tự ở thôn bản. Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch COVID-19, hình ảnh trân quý của hàng vạn người cao tuổi tận tụy, đồng cam, cộng khổ cùng với các lực lượng chức năng, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người khó khăn vượt qua hoạn nạn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

Phong trào thi đua người cao tuổi làm kinh tế giỏi được Trung ương Hội phát động với nội dung "Nêu gương sáng góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; đổi mới, sáng tạo, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong nông nghiệp và nông thôn".

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Hội nghị lần này biểu dương 273 đại biểu người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi đại diện cho trên 7 triệu người cao tuổi đang tham gia lao động, sản xuất kinh doanh. Đây là những tấm gương sáng, quyết chí vươn lên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương, đơn vị và tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình phát biểu.

Phong trào "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi"đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tạo việc làm cho hơn 9 triệu lao động, doanh thu đạt hàng trăm ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định, tham gia công tác từ thiện và đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt hàng chục ngàn tỷ đồng. Những thành tích, kết quả trên không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, tinh thần, ý chí, giá trị nhân văn tốt đẹp mà còn phát huy vai trò, vị thế của người cao tuổi trong giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng, đạt hiệu quả thiết thực như lời dạy của Bác Hồ: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm".

Nhiều người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống sinh thái nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện nền “Kinh tế tuần hoàn”, phát triển bền vững đất nước. Điển hình là ông Bieo NiÊ 73 tuổi, hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi, người dân tộc Êđê, buôn HraA, xã EaTun, huyện Cư M’gara, tỉnh Đắk Lắk đã chịu khó học hỏi và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Với gần 30 ha cao su, cà phê, gia đình ông Bieo NiÊ 73 nhiều năm qua luôn đạt hiệu quả tốt nhất cả vùng, doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Tuy doanh thu không cao nhưng luôn giúp đỡ vốn, vật tư cho những gia đình còn khó khăn và làm công tác từ thiện, xã hội tiền mặt hơn 30 triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Tiến, 80 tuổi hội viên người cao tuổi xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam chủ trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp kinh doanh điện mặt trời, doanh thu hơn 12 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động và hàng trăm lao động mùa vụ; tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện. Ông Phạm Văn Ray 62 tuổi hội viên người cao tuổi ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, là nông dân đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hiến 9.000m2 đất và hàng tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới và lĩnh vực xã hội, từ thiện…

“Những đóng góp của người cao tuổi làm kinh tế giỏi trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Bài: Phạm Tiếp - Đỗ Bình; Ảnh: An Đăng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thu-tuong-du-hoi-nghi-toan-quoc-bieu-duong-nguoi-cao-tuoi-tieu-bieu-lam-kinh-te-gioi-20231116110412103.htm