Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để tổng kết công tác năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và trong thời gian tới.
Dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan, tổ chức liên quan.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, do chủ động, tích cực trong công tác phòng thủ dân sự nên các thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố bất thường được giảm thiểu; các công trình, cơ sở kinh tế - xã hội được bảo đảm an toàn; có điều kiện tốt để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục như: Lực lượng làm công tác tham mưu chưa được đào tạo chuyên sâu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phòng thủ dân sự còn hạn chế. Công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế. Thông tin, tuyên truyền chưa đến được mọi người dân, nhất là vùng vùng sâu, vùng xa, biển đảo xa bờ. Phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố có nơi xây dựng chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn; phương châm "4 tại chỗ", “3 sẵn sàng” nhiều nơi còn tính hình thức; công tác huấn luyện, diễn tập có nội dung chưa sát thực tiễn...
Tham dự cuộc họp, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiễn Sỹ đã đưa ra nhiều kiến nghị đề xuất để làm tốt hơn công tác thông tin truyền thông trong những điều kiện khó khăn nhất như trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Ông Đỗ Tiến Sỹ nêu rõ: “Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn thống nhất và đồng thuận, phòng thủ dân sự được thống nhất tổ chức từ trung ương xuống địa phương và phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, chuẩn bị tốt, kỹ trước khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, thực hiện 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng. Nhân vừa rồi, UBTVQH chính thức đưa Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự ra thảo luận, nên chăng, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự có tư liệu để tới đây đại biểu Quốc hội nghiên cứu, phát biểu và để cho các cơ quan truyền thông, không chỉ VOV có cơ sở để thực hiện truyền thông chính sách, nhằm mục tiêu đưa Dự thảo luật Phòng thủ sớm đi vào cuộc sống”.
Cùng với đó, Tổng Giám đốc VOV cũng bày tỏ mong muốn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí khi tác nghiệp ở những địa bàn phức tạp, khó khăn, những điểm không phải lúc nào cũng có sóng phát thanh, hay truyền hình, nên chăng cần có những công cụ tác nghiệp đặc thù, cá biệt như chống nước, chống nóng... để có thể thích ứng kịp thời.
Đặc biệt về công tác tập huấn, Tổng Giám đốc VOV cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự lưu tâm cho sự tham gia của phóng viên chuyên trách, nhằm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Về công tác truyền thông, ông Đỗ Tiến Sỹ đề xuất, cũng giống như Ban Chỉ đạo phòng chống Covid đã hoạt động rất hiệu quả, có cả cơ quan thường trực là Bộ Y tế, có tiểu ban truyền thông là Bộ Thông tin-Truyền thông, nên chăng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự có thể có tiểu ban truyền thông với Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực, để các cơ quan báo chí có đầu mối nhận thông tin chính thống một cách chủ động.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá các phát biểu của các bộ, ngành, đặc biệt là của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp; đại dịch COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng; biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về người tài sản; kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực; phát sinh nhiều thách thức đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng thủ dân sự đảm bảo thực chất và hiệu quả; phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân trong phòng thủ dân sự, trong đó hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân là gốc.
"Công tác phòng thủ dân sự góp phần quan trọng bảo vệ an ninh an toàn tính mạng, bình yên cuộc sống của nhân dân, tài sản của Nhà nước, của cá nhân, góp phần hợp tác quốc tế theo tinh thần là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế một cách thực chất và có hiệu quả. Chúng ta chủ động nắm bắt tình hình không để bất ngờ về chiến lược, phát huy vai trò tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và nhân dân; hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc người dân là trung tâm là chủ thể, lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ dân phòng, công an xã, phường, thị trấn rồi lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của quân đội của công an nhân dân và các bộ, các ngành, các địa phương, phải chủ động chuẩn bị từ sớm từ xa ngay từ cơ sở, từ trước khi xảy ra xung đột, thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, kết hợp với chi viện hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế đê chúng ta thực hiện", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt Thủ tướng chỉ rõ, chiến lược phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, vùng, ngành, địa phương. Công trình phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng".
Về các giải pháp trọng tâm, Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng các văn bản dưới Luật quy định cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự; hoàn thành việc kiện toàn tổ chức cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với thảm họa, sự cố và nhiệm vụ phòng thủ dân sự năm 2023 sát với thực tiễn, phát huy tốt vai trò, chức năng thường trực phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn của cơ quan quân sự các cấp; rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực tham gia, thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư trong công tác phòng thủ dân sự.
Thủ tướng chỉ rõ, trong khi nguồn lực Nhà nước còn có hạn, cần huy động hợp tác công tư trong phòng thủ dân sự, trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; nếu thiên lệch, không cân bằng, hài hòa lợi ích thì khó có thể thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tham mưu, đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ; ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả trong công tác phòng thủ dân sự. Bộ Công an rà soát phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý nghiêm vi phạm trong ứng phó, khắc phục với các sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin về phòng, chống thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các sự cố, thiên tai; rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chủ động trong phòng ngừa với các sự cố, thiên tai, thảm họa. Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó sự cố tràn dầu, khai thác khoáng sản...
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải tăng cường quản lý hoạt động của các phương tiện vận tải, nhất là phương tiện vận tải khách, đảm bảo trước, trong và sau khi có sự cố, thiên tai xảy ra. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ cơ số thuốc dự phòng cần thiết; triển khai lực lượng khám chữa bệnh, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và vật nuôi trước, trong, sau khi có dịch, thiên tai. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng thủ dân sự.
Bộ Xây dựng nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn hệ thống công trình phòng thủ dân sự lưỡng dụng tại đô thị, khu dân cư. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn bảo đảm kế hoạch đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ phòng thủ dân sự theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng đề án tổ chức, hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí chủ động truyền thông chính sách và đi trước trong công tác phòng thủ dân sự.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai vàTtìm kiếm cứu nạn đồng thời là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch phòng thủ dân sự; lồng ghép nội dung phòng thủ dân sự vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, phòng thủ dân sự có ý nghĩa thiết thực bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế-xã hội; tin tưởng, công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới./.