Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau sẽ vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ trưởng Phan Thị Thắng tin tưởng, các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sáng ngày 15/11, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức “Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024”. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử. Cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp nhập khẩu đến từ: Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hong Kong, các chuỗi siêu thị lớn trong nước. Và các các công ty xuất nhập khẩu, các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp; Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, sản xuất sản phẩm OCOP, đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, cho thấy triển vọng của hoạt động sản xuất, môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 646 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 335 tỷ USD, tăng 15%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 310 tỷ USD, tăng 16%.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và hầu hết các đối tác thương mại lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, giày dép, và hàng nông, thủy sản tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng tích cực của tổng kim ngạch thương mại.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu chào mừng tại Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024 - (Ảnh: Thu Thảo).

Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu chào mừng tại Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024 - (Ảnh: Thu Thảo).

Để ứng phó với những khó khăn chung của nền kinh tế và đóng góp cho sự tăng trưởng xuất nhập khẩu chung của cả nước, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực để ổn định sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với vị trí địa lý chiến lược, nằm tại trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á và trên hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng GMS, Cà Mau là một trong bốn tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và là đầu mối quan trọng trong giao thương hàng hải quốc tế. Đây cũng là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, các thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý sản xuất của Cà Mau được đánh giá là hiện đại và ngang tầm với nhiều quốc gia trong khu vực.

Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, sản lượng ổn định; ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến; đẩy mạnh phát triển hệ thống kho bãi, các loại hình dịch vụ logistics nhằm giảm chi phí logistics...

Các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nói trên thực sự đã mang lại các kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau trong năm 2024. Các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau đã và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngay cả ở các thị trường vô cùng khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... Trong 10 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu của các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu thế mạnh, chủ lực của tỉnh Cà Mau như tôm, cá, cua biển, mực, lúa gạo, mật ong, trái cây tươi...

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đánh giá việc tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024 với sự quy tụ của đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cùng đại diện các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, hệ thống phân phối, doanh nghiệp nhập khẩu ngày hôm nay là một minh chứng rõ nét cho những nỗ lực quảng bá và kết nối thị trường cho sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thủy sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trên thế giới, đồng thời nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trong đó có sự phát triển của hệ thống logistics tại địa phương bao gồm các dịch vụ vận tải, kho bãi và các giải pháp hỗ trợ khác.

"Tôi tin tưởng rằng, thông qua các phiên trao đổi, thảo luận và kết nối trực tiếp cũng như trực tuyến, Hội nghị lần này không chỉ dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu, môi trường đầu tư tỉnh Cà Mau, mà còn là tiền đề để thúc đẩy giao thương, kết nối và thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài; củng cố và mở rộng chuỗi cung ứng hiện tại, xây dựng các chuỗi cung ứng mới theo hướng bền vững hơn, góp phần đưa các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", Thứ trưởng Phan Thị Thắng tin tưởng.

Toàn cảnh Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024 - (Ảnh: Thu Thảo).

Toàn cảnh Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024 - (Ảnh: Thu Thảo).

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng hoan nghênh và đánh giá cao sự có mặt của đại diện các doanh nghiệp, các tập đoàn phân phối bán lẻ, các doanh nghiệp đến từ các nước trên thế giới. Cùng với đó là các tham tán thương mại, đại diện thương vụ tại các nước. Và đặc biệt là sự góp mặt của hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, những doanh nghiệp đang từng ngày nỗ lực đưa các đặc sản, tinh hoa của quê hương Cà Mau đến tay người tiêu dùng trong nước và khắp nơi trên thế giới.

"Trong những năm qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ổn định và bền vững, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tiêu thụ thế giới còn nhiều khó khăn và biến động, Bộ Công Thương đã phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước, cơ quan thương mại của các nước và hệ thống thương vụ Việt Nam trên thế giới triển khai tổ chức hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại như triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối giao thương, đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, đoàn công tác tháo gỡ rào cản thương mại…

Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp của tỉnh trong công tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của Cà Mau, cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo tỉnh, sở, ngành của Cà Mau và các đơn vị của Bộ Công Thương đã chuẩn bị tốt các phương án kết nối giao thương... đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, gửi lời chúc các doanh nghiệp, các đơn vị phân phối đạt nhiều kết quả thiết thực và chúc các tập đoàn, doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài tìm được nguồn hàng chất lượng cũng như đối tác phù hợp.

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-truong-phan-thi-thang-nong-thuy-san-chu-luc-cua-ca-mau-se-vuon-xa-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-358910.html