Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm việc với Bộ Y tế và Phúc lợi Phần Lan, tìm hiểu về cải cách y tế
Tại thủ đô Helsinki, đoàn đại biểu của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã tới thăm và làm việc với Bộ Y tế và Phúc lợi Phần Lan. Bà Marjo Lindgren, Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Phần Lan đã tiếp và làm việc với đoàn.
Cùng tham gia làm việc với Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên vào ngày 9/12, về phía đoàn Bộ Y tế Việt Nam bao gồm lãnh đạo các Vụ, Cục: Kế hoạch Tài chính, Tổ chức Cán bộ, Hợp tác Quốc tế, Cục Quản lý môi trường Y tế, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương, lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam và lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, cũng như lãnh đạo Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Trị.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định Việt Nam và Phần Lan có truyền thống hợp tác lâu năm. Trong chuyến thăm lần này đến Phần Lan, Bộ Y tế muốn được trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Phần Lan về hệ thống y tế Phần Lan. Theo Thứ trưởng 5 mục tiêu cần tìm hiểu của đoàn là: cải cách và tinh gọn hệ thống y tế, tăng cường chuyển đổi số trong y tế; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phát triển nguồn nhân sự cho y tế cơ sở; quản lý, cung ứng và thanh quyết toán thuốc cho tuyến y tế cơ sở.
Chào mừng đoàn Bộ Y tế Việt Nam tới Phần Lan, Thứ trưởng Marjo Lindgren khẳng định mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế và phúc lợi xã hội. Bà chia sẻ: Phúc lợi và thịnh vượng của người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Phần Lan.
Chính vì vậy Chính phủ rất quan tâm tới cấu trúc của hệ thống y tế và hiệu quả của hệ thống này coi đó là một động lực giúp kinh tế phát triển. Trong những năm qua Phần Lan đã thực hiện cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế và phúc lợi xã hội và đạt được nhiều thành tựu, Phần Lan vui mừng được chia sẻ những kinh nghiệm này với Việt Nam.
Cải cách hệ thống y tế với tầm nhìn dài hạn
Bà Heli Parikka, chuyên gia Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Phần Lan đã giới thiệu với đoàn về những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực này trong giai đoạn từ 2020 – 2023 với mục đích: giảm bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, kiềm chế gia tăng chi phí.
Trước đây, Phần Lan có 195 tổ chức dịch vụ y tế và xã hội và 22 trung tâm cứu hộ; Nhưng hiện nay mô hình chăm sóc sức tế là: 21+1+1 (21 vùng phúc lợi, thành phố Helsinki; Bệnh viện Vùng Helsinki và Uusimaa).
Theo bà Heli Parikka, tích hợp là chìa khóa của cải cách này. Để tiến hành thành công cải cách, người dân cần nhận thức rõ cải cách là việc cần thiết phải làm. "Chúng tôi hiểu được thực trạng của vấn đề, nên hiểu và đồng tình với cải cách trên các cấp độ chính trị. Ai cũng cần hiểu đây là việc chung tay cần làm. Chúng tôi cũng nhận thấy cần tiếp tục cải cách trong tương lai.
Chúng tôi đang xem xét xem mô hình 21+1+1 đã phù hợp chưa, hay phải tiếp tục thu nhỏ hơn nữa. Bên cạnh đó tùy quy mô của mỗi khu vực mà xác định cắt giảm để đảm bảo mọi người dân phải tiếp cận được dịch vụ y tế, bởi điều này được quy định rõ trong hiến pháp" – bà Parikka nói.
Cải cách y tế và phúc lợi xã hội ở Phần Lan phải mất 15 năm, do đó đây không phải là nhiệm vụ ngắn hạn. Điểm mấu chốt chính là làm sao để người dân ai cũng nhận thức được rằng "chúng ta cần cải cách". Tích hợp là chìa khóa của cải cách này, Phần Lan đã tiến hành tích hợp theo cấu trúc (áp dụng một ngân sách, một hệ thống quản lý tại một địa phương; phân bổ nguồn lực theo nhu cầu của người dân) và tích hợp theo chức năng.
Phiên bản mới của mô hình bác sĩ gia đình
Theo ông Andres Mickos, chuyên gia về chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc Bệnh viện Đại học Helsinki cho hay chăm sóc sức khỏe ban đầu là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế Phần Lan, việc này được đưa vào luật pháp từ năm 1972, bắt buộc các đô thị phải có trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu. Những vùng có dân số ít có thể kết hợp với nhau để tạo nên một trạm y tế cho người dân vùng đó.
Từ năm 2023, với việc áp dụng 21+1+1 trên toàn bộ đất nước, các trung tâm y tế ở 21 vùng này vừa chăm sóc sức khỏe ban đầu vừa làm chuyên khoa. Tuy nhiên, có một thực trạng là tại các thành phố lớn người ta ít tới cơ sở y tế này, nhưng ở nông thôn người dân sử dụng nhiều hơn. Phần Lan cũng chú trọng việc huy động khu vực y tế tư nhân vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Mô hình bác sĩ gia đình được áp dụng rộng rãi ở Phần Lan trong thập niên 1990, đảm bảo chăm sóc sức khỏe liên tục cho người dân được áp dụng rộng rãi, giúp giảm tỷ lệ nhập viện, cấp cứu và tử vong. Một bác sĩ có thể được chỉ định để chăm sóc sức khỏe ban đầu của 2000 người. Do sự thiếu hụt bác sĩ, nên trong giai đoạn 2000-2010 mô hình này bị suy giảm.
Hiện nay Phần Lan đang thí điểm phiên bản mới của mô hình này với việc triển khai những nhóm thầy thuốc gần gũi với bệnh nhân hoặc nhóm thầy thuốc tư nhân hoạt động như bác sĩ gia đình.
Những vấn đề mà Phần Lan phải đối mặt trong chăm sóc sức khỏe ban đầu là: Già hóa dân số; thiếu nhân nhân lực y tế; nguồn tài chính có hạn; sự cạnh tranh về nguồn lực giữa chăm sóc SKBĐ và chăm sóc y khoa chuyên sâu; những vấn đề về sức khỏe tâm thần; thừa cân và béo phì; chênh lệch về sức khỏe giữa các cá thể.
Tuy nhiên, Phần Lan vẫn chú trọng cải thiện chăm sóc liên tục; tăng cường công tác phòng ngừa và nâng cao sức khỏe; tích hợp mạnh hơn và tạo ra chuỗi dịch vụ tốt hơn; tăng cường dịch vụ kỹ thuật số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ về cải cách hệ thống y tế Việt Nam, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính giới thiệu với phía Phần Lan một số nhiệm vụ tương đồng: Đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu (ba trụ cột: cam kết chính trị, can thiệp toàn diện và huy động nguồn lực tài chính); Phát triển nguồn nhân lực (cải cách công tác đào tạo trước khi hành nghề, đăng ký hành nghề và đào tạo sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề).
Song song với đó, khi giới thiệu tổng quan về hệ thống y tế Việt Nam, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam cũng chú trọng cải cách khối bệnh viện (chuyển đổi từ quản lý theo 4 cấp hành chính sang 3 tuyến chuyên môn, kỹ thuật; tập trung vào nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, chất lượng dịch vụ và hiệu quả vận hành) và chú trọng cải cách tài chính y tế (ở cả 3 khía cạnh: huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho y tế).