Thứ thuốc độc hại khiến người trẻ Mỹ thành 'chuột bạch'

Những người trẻ này cần uống thuốc liên tục để chống chọi với chứng trầm cảm, song đồng thời trở thành 'thế hệ chuột bạch' khi phải dùng kết hợp quá nhiều loại dược phẩm nặng.

Vào một sáng mùa thu năm 2017, Ranae Renae, học sinh lớp 9 ở Long Island (New York, Mỹ), không thể rời khỏi giường và bị ngợp với ý nghĩ phải đến trường. Trong những ngày tiếp theo, niềm lo âu của cô bé chất dần thành nỗi tuyệt vọng, theo New York Times.

“Đáng lẽ tôi phải hạnh phúc. Nhưng tôi khóc, gào thét và cầu xin vũ trụ hay bất cứ thế lực thần thánh nào lấy đi nỗi đau tương đương của hàng nghìn người đang bị mắc kẹt trong đầu tôi”, cô viết.

Đầu năm 2018, một bác sĩ tâm thần đã kê đơn Prozac cho Renae. Khi loại thuốc này hết tác dụng, cô gái được kê thêm một loại thuốc chống trầm cảm là Effexor. Những đơn thuốc cứ thế nhiều lên.

 Đơn thuốc của Renae ẩn chứa nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Đơn thuốc của Renae ẩn chứa nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Tính tới năm 2021, thời điểm Renae tốt nghiệp trung học, cô gái được kê đơn 7 loại thuốc, bao gồm loại dùng để điều trị chứng co giật và chứng đau nửa đầu nhằm giúp ổn định tâm trạng của Renae dù cô không mắc những chứng bệnh này, cùng một loại chủ yếu dành cho bệnh tâm thần phân liệt để làm giảm tác dụng phụ của những dược phẩm còn lại.

Renae, hiện sinh viên 19 tuổi tại một trường cao đẳng cộng đồng, trở thành ví dụ điển hình cho việc sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc tâm thần nặng ở thế hệ trẻ.

Đơn thuốc dày đặc

Năm lớp 8, Renae có một số dấu hiệu trầm cảm. Cô và gia đình đã tìm đến các loại phương pháp điều trị, rồi cuối cùng là sử dụng vô số loại thuốc chống trầm cảm.

Kevin Smith, cha của cô gái, người từng bị cha đánh đập vì mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), thề rằng sẽ không để con mình gánh chịu bất kỳ vấn đề sức khỏe tâm thần nào không rõ ràng.

“Tôi nỗ lực hết mình để cung cấp cho Renae mọi công cụ con bé cần để chống lại chứng trầm cảm”, ông nói.

 Ông Kevin Smith hỗ trợ con gái trong hành trình đấu tranh với chứng trầm cảm.

Ông Kevin Smith hỗ trợ con gái trong hành trình đấu tranh với chứng trầm cảm.

Cô được gia đình tới Trung tâm Tư vấn tâm lý New Horizon ở Long Island. Theo ghi chép của bác sĩ, Renae mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm gia tăng và có ý định tự tử. Thời điểm đó, cô được kê Prozac với liều dùng 10 mg/ngày, kết hợp với trị liệu tâm lý cá nhân.

Sau nhiều lần chuyển đổi cơ sở điều trị và bác sĩ, đến năm 2021, đơn thuốc của Renae gồm 7 loại, bao gồm Focalin; Trintellix; alprazolam - thuốc chống lo âu có thể gây nghiện; Lamictal và Topamax - sự kết hợp của thuốc điều trị chứng co giật và đau nửa đầu nhằm để ổn định tâm trạng; Rexulti - thuốc “bổ trợ” cho người trưởng thành bị rối loạn trầm cảm nặng; và olanzapine - thuốc được sử dụng chủ yếu cho chứng rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt nhằm giúp Renae ngủ ngon hơn.

Bất chấp đơn thuốc cứ tăng dần cả về số lượng và liều lượng, Renae chỉ cảm thấy nhẹ nhõm trong khoảng thời gian ngắn, rồi lại rơi vào trạng thái trầm cảm.

“Tôi không thể nghĩ ra chứng rối loạn nào khiến cô bé phải sử dụng tất cả loại thuốc kia. Phác đồ điều trị này không có sự thống nhất nào cả”, Tiến sĩ Mark Olfson, bác sĩ tâm thần lâm sàng tại Đại học Columbia và là một trong số các chuyên gia được New York Times tham vấn về đơn thuốc của Renae, nhận định. Tất cả bác sĩ này đều bày tỏ quan điểm tương tự.

Mặt khác, tiến sĩ Olfson cũng cho biết việc kê đơn thuốc quá mức khá phổ biến trong lĩnh vực y tế.

“Trong khi tìm kiếm cách giúp bệnh nhân hết triệu chứng, họ lại dẫn đến những vấn đề khác còn được gọi một cách lịch sự là rủi ro trong sử dụng dược phẩm”, ông nói.

 Dù được kê đơn thuốc nặng về cả số lượng và liều lượng, chứng trầm cảm của Renae không thuyên giảm.

Dù được kê đơn thuốc nặng về cả số lượng và liều lượng, chứng trầm cảm của Renae không thuyên giảm.

Ở một trường hợp khác, sinh viên Jean (22 tuổi) ngày càng trở nên dễ kích động và trầm cảm trước khi bước vào năm cuối đại học.

Tháng 4 vừa qua, cô được kê 7 loại thuốc tâm thần. Cuối tháng đó, Jean chia sẻ trong buổi tư vấn trị liệu nhóm rằng cô có ý định tự tử. Sau đó, cô được kê thêm 3 loại thuốc nữa, tổng là 10 loại.

Khi tới Jean hiệu thuốc để lấy thuốc theo đơn của mình, một dược sĩ đã phải bước ra khỏi quầy và hỏi trực tiếp cô gái rằng: “Cháu chắc chứ? Toàn bộ đơn này là dành cho một mình cháu thôi sao?”.

Tác dụng phụ không thể đoán trước

Gần đây, công ty dược phẩm Express Scripts báo cáo rằng năm 2015-2019, các đơn thuốc chống trầm cảm cho thanh thiếu niên đã tăng 38%, so với 12% ở người lớn.

Một mặt, các bác sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của thuốc tâm thần khi được kê đơn đúng cách bởi chúng giúp ổn định thanh thiếu niên và cứu sống những người trẻ có ý định tự vẫn.

“Thuốc rất quan trọng”, Tiến sĩ Stephanie Kennebeck, bác sĩ phòng cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, người đã nghiên cứu các phương pháp điều trị đối với cơn thôi thúc tự sát, cho biết.

Mặt khác, họ cũng cảnh báo rằng những loại thuốc này quá đang quá dễ tìm mua, thường được xem là cách thay thế dễ dàng cho những liệu pháp điều trị mà gia đình bệnh nhân không đủ điều kiện kinh tế để chi trả, hoặc khó tìm được ở địa phương, hoặc không thích.

 Chứng trầm cảm của Renae dần cải thiện nhờ liệu pháp trị liệu của bác sĩ mới và cắt giảm đơn thuốc.

Chứng trầm cảm của Renae dần cải thiện nhờ liệu pháp trị liệu của bác sĩ mới và cắt giảm đơn thuốc.

Những loại thuốc tâm thần vốn thường được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn. Thế nhưng, đôi lần chúng được kê đơn cho bệnh nhân trong nhiều năm dù có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm rối loạn tâm thần theo đợt, xu hướng tự tử, tăng cân và ảnh hưởng tới sự phát triển khả năng sinh sản, theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychiatry.

Hơn nữa, nhiều thuốc được kê cho thanh thiếu niên thực chất không được sử dụng cho người dưới 18 tuổi. Chúng cũng được kê dưới dạng kết hợp với các dược phẩm khác, nhưng sự kết hợp này chưa được nghiên cứu về độ an toàn hoặc tác động lâu dài đối với sự phát triển não bộ.

Chỉ Prozac và Lexapro là loại thuốc duy nhất được chấp thuận dành cho thanh thiếu niên bị trầm cảm, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

“Đây đúng là thế hệ chuột thí nghiệm”, Lisa Cosgrove, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Massachusetts (bang Massachusetts, Mỹ), nói về những người trẻ đang sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc tâm thần nặng. Bà khẳng định chưa có nghiên cứu hay bằng chứng nào về sự kết hợp các loại dược phẩm này.

Tiến sĩ Kennebeck cho rằng điều quan trọng nữa là ý thức được thuốc “cũng có giới hạn của nó”. Trị liệu tâm lý nên là nền tảng.

Tiến sĩ Joshua Gordon, Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, nói rằng việc trẻ em phải sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc là bởi chúng ta không có những dược phẩm thực sự hiệu quả dành riêng cho chúng.

“Tất cả điều đó cho thấy chúng ta cần nghiên cứu thêm”, ông nói.

Tháng 10/2021, các bác sĩ phát hiện rằng Renae mắc ung thư tuyến giáp. Tháng 4, cô thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u. Trong khoảng thời gian này, cô tìm được một bác sĩ tâm lý mới, người dành nhiều thời gian cho cô hơn bác sĩ cũ ở New Horizon.

Dưới sự chăm sóc của bác sĩ mới, Renae bắt đầu cắt giảm số lượng thuốc được kê trước đó. Đến ngày phẫu thuật, cô chỉ phải sử dụng 2 loại thuốc điều trị tâm thần hàng ngày, cùng với một viên thuốc chống lo âu một lần/tuần khi các triệu chứng bùng phát.

Cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u diễn ra thành công và tới giữa mùa hè, Renae cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn trước. Cô cho rằng đơn thuốc mới có tác dụng, nhưng đồng thời nhận thấy sự biến chuyển này nhờ cả quá trình trị liệu, cách nhìn nhận bản thân và cả căn bệnh ung thư.

“Tôi không còn là con người của một năm trước nữa”, cô chia sẻ.

Ánh Dương

Ảnh: Annie Flanagan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-thuoc-doc-hai-khien-nguoi-tre-my-thanh-chuot-bach-post1352405.html