Thư pháp Việt - Tâm hồn Việt

Buổi sinh hoạt chuyên đề 'Thư pháp Việt - Tâm hồn Việt' vừa diễn ra tại Bảo tàng TPHCM. Đây là hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18-5-2024 với chủ đề 'Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu'. Buổi sinh hoạt đã thu hút nhiều bạn trẻ tham quan, tìm hiểu nghệ thuật viết chữ thư pháp.

 Bạn trẻ tìm hiểu và trải nghiệm viết thư pháp tại Bảo tàng TPHCM

Bạn trẻ tìm hiểu và trải nghiệm viết thư pháp tại Bảo tàng TPHCM

Th.S Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) phân tích: “Thư pháp chữ Quốc ngữ là hiện tượng đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đương đại, biểu hiện rõ nhất trong sự kết hợp giữa cây bút lông và chữ Latinh. Cây bút lông là sản phẩm của nền văn hóa phương Đông, trong khi chữ Quốc ngữ của người Việt Nam lại có nguồn gốc từ chữ Latinh. Có thể nói, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới dùng cây bút lông viết chữ Latinh”.

 Th.S Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) hướng dẫn viết thư pháp cho khách tham quan Bảo tàng TPHCM

Th.S Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn Du lịch, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) hướng dẫn viết thư pháp cho khách tham quan Bảo tàng TPHCM

Tìm hiểu và được tận tay thực hiện một bức thư pháp cho riêng mình, bạn Lê Hữu Khoa (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Nhìn nghệ nhân viết tuy cầu kỳ nhưng cũng không khó lắm. Nhưng khi tôi cầm đến cây bút lông và bắt đầu viết, thì mới thấy khó, lúng túng và không biết đường nét sao cho đẹp, nên nét chữ nào cũng đậm mực, nét thanh nét đậm hay cỡ chữ lớn nhỏ không đều, vì không canh được”.

 Các loại bút, mực dùng trong thư pháp

Các loại bút, mực dùng trong thư pháp

Nếu thư pháp Trung Quốc mang tính khuôn khổ, tuân theo nguyên tắc; hay thư đạo Nhật Bản liên kết chặt chẽ với thiền định, viết theo tâm trạng và nổi bật ở sự sáng tạo, cách tân trong nghệ thuật; hoặc nghệ thuật viết chữ của các nước châu Âu có tính khoa học, ứng dụng thực tế trong đời sống;… Thì thư pháp chữ Quốc ngữ Việt Nam chủ yếu mang tính hài hòa, là sự sáng tạo độc đáo của người dân khi kết hợp cái thần của ngọn bút lông và nét chữ quốc ngữ.

 Khách tham quan chờ bức thư pháp hoàn chỉnh

Khách tham quan chờ bức thư pháp hoàn chỉnh

Trong dòng chảy mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc, thư pháp phản ánh tinh thần yêu chữ và trọng chữ của bao thế hệ người Việt, nó không mang tính biểu diễn như ở Trung Quốc; ở Việt Nam, tặng chữ như trao tấm lòng thông qua chữ tình trong thư pháp. Thư pháp xưa - nay, dẫu có những khác biệt nhất định, nhưng khi người ta còn ngồi lại để nâng niu, giữ gìn từng câu chữ tiếng Việt, bản sắc cội nguồn vẫn có đó niềm tự hào dân tộc.

THANH TRÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-phap-viet-tam-hon-viet-post739353.html