'Thứ năm hạnh phúc': Tôi mơ một ngôi trường như cô bé Totto-chan

Các em học sinh trường THPT Võ Văn Kiệt, đã có một dịp thỏa sức sáng tạo khi nhà trường đưa ra ngày 'thứ năm hạnh phúc'. Bạn đọc bàn luận về vấn đề này.

Ngày 25-4, PLO có đưa tin Học sinh mang nồi, va li, túi cói đến trường vào ngày thứ năm hạnh phúc với nội dung, trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM tổ chức thí điểm mô hình ngày thứ năm hạnh phúc trong chuỗi hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc mà Sở GD&ĐT đang triển khai.

Theo đó, vào ngày thứ năm hạnh phúc, học sinh không phải mặc đồng phục theo quy định, đến trường với cặp sách kiểu sao cũng được khiến học sinh vô cùng thích thú, "bung xõa" hết mình.

Bài viết thu hút nhiều sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc.

Học sinh dùng nồi đựng sách vở, việc làm "chưa từng có" trong cuộc đời học sinh của em. Ảnh: TRỌNG ANH

Đã có sự cải tiến, tuy nhiên vẫn còn hạn chế

“Vậy các ngày còn lại là không hạnh phúc hay sao? Thực tế là hiện nay các trường học có quá nhiều quy định ràng buộc và các tổ chức như đội/đoàn cũng có quá nhiều điều lệ làm học sinh không thể hiện được sở thích, năng lực cá nhân. Phải thay đổi rất nhiều thứ từ chương trình học, quy định, sinh hoạt đoàn thể để mỗi ngày đi học đều là ngày hạnh phúc”, bạn đọc Lê Danh bày tỏ.

“Việc không mặc đồng phục trường vào ngày thứ sáu hàng tuần và để cho các học sinh tự chọn cách mặc riêng như đồng phục áo lớp thì trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã thực hiện liên tục cách đây 6 năm rồi. Điểm mới mà tôi thấy được đề cập ở đây đó là học sinh được sáng tạo hơn với cặp sách, với những hoạt động vui chơi, cởi mở hơn về quy định với trang phục. Đây cũng là dấu hiệu khá tích cực!”, bạn đọc Thanh Hương chia sẻ.

"Ngoài "thứ năm hạnh phúc", các trường cũng cần nhân rộng mô hình "lớp học mở", cho học sinh được học dưới sân trường. Tại sao hiện nay, chỉ mỗi môn thể dục, do đặc thù nên học dưới sân trường, còn những môn học khác, học sinh chỉ có thể đóng khung trong mỗi lớp học? Tôi thấy một số trường cũng đã triển khai nhưng thực chất, nó chỉ là những tiết học điểm hay tiết học dự giờ để báo cáo, không nhiều học sinh có cơ hội được thu hưởng những tiết học này", bạn đọc Nguyễn Huyền bày tỏ.

Hoạt động bổ ích, cần được phát huy

“Hoạt động rất hay, bổ ích cho các em. Mô hình này cần được nhân rộng tại các trường chứ không chỉ có 1,2 trường thí điểm. Hoạt động này có thể giúp cho các em giảm stress sau học tập, tăng khả năng sáng tạo và tư duy cho các em. Cảm ơn quý Nhà trường và mong mô hình này sẽ tiếp tục được phát huy để giúp cho các em hạnh phúc hơn nữa”, bạn đọc Định Trúc đồng tình.

“Tôi thấy đã có sự cải tiến và cởi mở hơn, đặc biệt là sau những than phiền về việc mặc áo dài đi học của các em học sinh. Hoạt động “thứ năm hạnh phúc” thực sự thú vị, kết hợp với hoạt động “thứ sáu vui vẻ” của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ tạo thêm những xu hướng mới. Từ đó, các trường khác sẽ nhìn vào và dần thực hiện theo, tạo nên một trào lưu cho học sinh có thể thỏa sức sáng tạo và tăng sự hứng thú khi đến trường”, bạn đọc Võ Minh phân tích.

Ngoài những ý kiến trên, bạn đọc Thái Vũ cũng có những trải lòng: “Một thời mê quyển "Totto chan bên cửa sổ" và ước ao nền giáo dục "mới" trong quyển sách. Đến nay khi đọc bài này thì nhớ lại cái trường học trong mơ ấy...Nơi học tập ngày nào cũng là sân chơi, vừa tiếp thu kiến thức, rèn luyện nhân cách lại là môi trường sáng tạo, học sinh được tự do rèn luyện mình.

Theo quan điểm cá nhân tôi, môi trường giáo dục nước ta hiện nay quá bao quát và nhiều môn học. Học sinh không thể nào giỏi tất cả các môn được, vì vốn con người chẳng ai hoàn hảo.

Để chạy đua thành tích, đạt các danh hiệu, học sinh bắt buộc phải cố gắng giỏi "toàn diện" một cách giả tạo (nghĩa là dùng nhiều cách khác nhau, hoặc đến thi mới chuyên tâm vào các môn mình không giỏi để đạt được thành tích). Điều đó đã dẫn đến một thế hệ học sinh như thế nào? Khi hỏi các bạn lớp 10, 11 bây giờ, một phần lớn các bạn vẫn chưa biết mình thích gì, giỏi gì và có định hướng gì (ở đây vẫn chưa nói đến một số học sinh 12 cũng vậy, chỉ chọn ngành theo số đông, ý kiến gia đình,...).

Thay vì cách cho danh hiệu hiện nay: phải bao nhiêu môn 8 điểm mới là giỏi, bao nhiêu môn xuất sắc....thì tại sao không khen thưởng riêng biệt: học sinh giỏi môn Văn, Lý, Sử,...? Tôi viết cũng không hẳn liên quan đến vấn đề trong bài trên. Tôi rất thích cách thay đổi này và mong muốn nền giáo dục sẽ có thêm những trải nghiệm như vậy, cũng như, ao ước một ngày nào đó nền giáo dục trong mơ sẽ xuất hiện. Biến mỗi ngày đến trường của học sinh đều là một niềm vui, ngày chạm khắc hoài bão...”.

Sáng 25-3, Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8 đã tổ chức thí điểm mô hình ngày "thứ năm hạnh phúc” trong chuỗi hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc mà Sở GD&ĐT đang triển khai. Trong ngày đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm này, Trường THPT Võ Văn Kiệt rộn ràng với rất nhiều sắc màu từ các trang phục cũng như phụ kiện mà học sinh mang lại.

Điều này đã tạo nên không khí vô cùng năng nổ, sáng tạo và mới mẻ trong phong cách cũng như trang phục. Ngoài ra, dù là học sinh được thoải mái trong việc lựa chọn trang phục, màu sắc cũng như ý tường cho các tiết mục biểu diễn nhưng nhà trường vẫn có những quy định về trang phục để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như hướng đến một môi trường học đường trong sáng, đúng lứa tuổi của các em.

MINH TRÍ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-nam-hanh-phuc-toi-mo-mot-ngoi-truong-nhu-co-be-totto-chan-post787647.html