Thủ khoa Đại học Văn hóa với bí quyết ôn thi bằng phương pháp tranh luận
'Thời gian ôn thi nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là chất lượng và hiệu quả', Thủ khoa Đại học Văn hóa chia sẻ.
Triệu Thị Thu là thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2020 với tổng số điểm 31,25 (đã bao gồm điểm cộng ưu tiên, trong đó điểm thi môn Ngữ văn là 9; hai môn Lịch sử và Địa lý đều đạt 9,75).
Hiện tại, Thu đang là sinh viên năm nhất ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, khoa Du lịch.
Nhớ lại thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020, Thu chia sẻ: "Trong giai đoạn nước rút, hẳn các sĩ tử đang rất căng thẳng cho kì thi sắp tới, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.
Tuy nhiên, các bạn hãy coi khó khăn đó là động lực cho việc ôn thi, hãy biến thử thách thành cơ hội. Muốn vậy, phải lập một kế hoạch ôn thi khoa học và thực hiện thật nghiêm túc, cần có sự kiên trì, phân chia thời gian hợp lý giữa những môn mình còn yếu và môn đã nắm chắc kiến thức.
Một điều vô cùng quan trọng là các bạn phải tránh bị xao nhãng bởi mạng xã hội; dù ôn thi trong 1 giờ đồng hồ thì một giờ đó phải thực sự hiệu quả".
Nói đến ôn thi mọi người thường hình dung hình ảnh các sĩ tử ăn ngủ trên bàn học, ngày ngày kè kè quyển sách bên người. Nhưng thực tế với Thu lại hoàn toàn khác. Giai đoạn ôn thi của em diễn ra rất nhẹ nhàng bởi quan điểm của Thu là "thời gian ôn thi nhiều hay ít không quan trọng bằng chất lượng và hiệu quả từ những khoảng thời gian đó".
Thay vì thức đêm để học thì cô nàng thủ khoa đã phân chia thời gian hợp lý cho việc ăn uống, nghỉ ngơi, ngủ sâu giấc và thư giãn. Thu khẳng định nếu học bài khi đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, không áp lực thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn việc mơ màng với đống sách vở, tài liệu ngổn ngang.
Đặc biệt, thủ khoa đầu vào của Đại học Văn hóa đã có một bí quyết ôn thi đặc biệt, đó là phương pháp hỏi và tranh luận.
"Em thấy đây là cách ôn tập cực hay để có thể hiểu kiến thức một cách sâu nhất. Thay vì “không biết rồi bỏ qua” thì em nhất định phải "băm nhuyễn" kiến thức ấy bằng cách đi hỏi và tranh luận với bạn bè, thầy cô.
Bất cứ khi nào gặp câu hỏi mà mình không thể tự trả lời hoặc không chắc chắn về đáp án, em sẽ ghi lại để hỏi các bạn hoặc thầy cô giáo. Có hỏi thì ắt sẽ có tranh luận, tranh luận sẽ giúp chúng ta có nhiều góc nhìn về vấn đề, hiểu sâu và hiểu tường tận được vấn đề đặt ra.
Sau mỗi lần được hỏi và tranh luận, em cảm giác rất vui sướng vì đã tháo gỡ được thắc mắc trong bài học. Đặc biệt là mỗi lần tranh luận thì em có thể ghi nhớ rất lâu. Nếu các bạn tranh luận sôi nổi, bạn sẽ cảm thấy giảm áp lực trong học tập, phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy cũng tốt lên,…".
Đối với các môn khoa học xã hội, Thu cũng vận dụng phương pháp ôn tập bằng cách tự ghi lại kiến thức để nhớ bài nhanh hơn.
"Đối với môn văn, ngoài học các ý chính của tác phẩm thì cần phải đầu tư cho phần mở bài và kết bài. Đặc biệt cần tìm hiểu về “lí luận văn học” để vận dụng vào phần bài làm văn của mình. Đây là một điểm quan trọng để bài văn hay hơn, ấn tượng hơn và ghi điểm tốt hơn.
Trong 20 ngày cuối ôn thi em đã thành công với “lí luận văn học” để nâng từ 7điểm thi thử lên 9 điểm thi thật, đây cũng là một bất ngờ rất lớn đối với em".
Theo kinh nghiệm ôn tập của Thu đối với hai môn thi trắc nghiệm là Lịch sử và Địa lý, thí sinh nên tập trung vào giải đề. Quá trình làm thử đề thi sẽ là một cách hệ thống lại kiến thức hiệu quả.
Với mỗi câu làm sai, cần phải dành thời gian để phân tích, tìm hiểu thêm kiến thức liên quan đến câu đó, nhờ vậy sẽ học hỏi thêm được nhiều kiến thức khác.
"Trước khi ngủ. em thường nằm ngẫm nghĩ lại kiến thức, đây cũng là một phương pháp ghi nhớ hiệu quả. Những lúc sau thời gian học tập mệt mỏi, em sẽ dành thời gian xem phim tài liệu, video liên quan đến đến bài học, đó là một cách vừa ôn tập vừa thư giãn.
Nói về kinh nghiệm làm bài thi, nữ thủ khoa cho biết, trong quá trình làm bài thi cần tập trung 100%, đọc thật kỹ câu hỏi và ngạch chân từ khóa để xác định đúng ý câu hỏi, lựa chọn câu trả lời đúng. Ngoài ra, phải phân bổ thời gian cho các câu hỏi hợp lý, rà soát lại bài thật kĩ sau khi đã làm xong.
Đối với môn Ngữ văn, thí sinh cần trình bày rõ ràng, mạch lạc, có tách ý và đưa dẫn chứng cụ thể, phân chia thời gian hợp lí, không viết lan man, luôn giữ vững được phong độ từ đầu đến cuối.
Đối với phần đọc hiểu nên đọc kĩ từng câu hỏi trước khi đọc văn bản, điều này giúp việc đọc được tập trung hơn, hiệu quả làm bài sẽ cao hơn. Cần trả lời ngắn gọn, chính xác, không trả lời thừa thông tin mà đề bài yêu cầu.
Đối với phần viết văn, bài viết phải có hệ thống ý – luận điểm và triển khai thành nhiều đoạn văn, tuyệt đối không được viết toàn bộ thân bài chỉ trong một đoạn dài.
Đối với môn Lịch sử, sẽ có những câu hỏi khó đòi hỏi thời gian suy luận, phân tích, cần phải phân tích, linh hoạt dùng phương pháp loại trừ để loại bỏ đáp án sai.
Khi làm bài môn Địa lý, quan trọng là tìm kiếm thông tin trong Atlat một cách nhanh chóng và chắc chắn nhất. Phân tích biểu đồ, bảng số liệu phải chú ý tránh xảy ra sai sót.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Thu cũng chia sẻ một số sai lầm mà mỗi thí sinh cần tránh trong quá trình làm bài.
Môn Ngữ văn thí sinh nên tránh làm bài dài rườm rà, lan man, cần có những câu văn ấn tượng, giữ mạch cảm xúc cũng như thể hiện khả năng phân tích và bình luận về vấn đề hay tác phẩm văn học được nêu ra.
Sai lầm của nhiều thí sinh là thường mở bài rất dài để thể hiện hiểu biết và khả năng cảm thụ văn học nhưng lại không đảm bảo cân bằng được thời gian, vì tập trung quá nhiều thời gian cho phần mở bài nên chất lượng nội dung bài viết càng về sau càng giảm, thậm chí có bạn không viết được kết bài. Điều này sẽ khiến thí sinh bị mất điểm.
Đối với Lịch sử và Địa lý, hình thức thi trắc nghiệm khiến nhiều bạn thường đọc câu hỏi lướt qua nhanh dẫn tới bị bỏ sót một vài ý đánh lừa trong câu.
"Đặc biệt môn Lịch sử, thí sinh thường không hay chú ý đến mốc thời gian hoặc nhầm lẫn giữa các sự kiện lịch sử dẫn tới những sai lầm đáng tiếc. Chính vì vậy, cần phải cẩn trọng trong từng câu hỏi, phân tích từng từ khóa để hiểu rõ vấn đề và tìm được câu trả lời chính xác", nữ thủ khoa khẳng định.
Cô gái thủ khoa của Đại học Văn hóa nhấn mạnh đến việc ôn tập và nghỉ ngơi khoa học trong những ngày sát kỳ thi để đảm bảo yếu tố về sức khỏe. Vì ngoài kiến thức, sức khỏe thể chất và tâm lý thoải mái là vũ khí quan trọng để vượt qua kỳ thi thành công.