Thu hút vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án PPP

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều qua 24-3, tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, các đại biểu thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều qua 24-3, tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, các đại biểu thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế về một số vấn đề lớn của dự án luật; về áp dụng luật và điều ước quốc tế (Điều 3), nhiều ý kiến đại biểu QH thống nhất việc cần phải có quy định nội dung đặc thù đối với trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP. Một số ý kiến đề nghị giải trình quy định tại khoản 2, Điều 3 “Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác… thì thực hiện theo quy định của luật này” để tránh xung đột pháp luật.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, thời gian qua các cơ quan liên quan rà soát sự đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo luật với các luật hiện hành cũng như các luật đang được sửa đổi, bổ sung (như Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đất đai; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Xây dựng…). Theo đó, thời gian áp dụng cho một dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, trong điều kiện hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung thường xuyên thì Luật PPP phải là luật được ưu tiên thực hiện. Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh đây là một trong những hình thức đầu tư đã được thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án BOT trong xây dựng hạ tầng giao thông, nhưng lần đầu một dự luật được đệ trình lên QH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh, dự án luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Tuy nhiên, tham gia thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu nêu ý kiến chưa đồng tình với quy định tại khoản 2, Điều 3 của dự thảo luật, vì chưa giải quyết được vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện dự án PPP và đề nghị cần tiếp tục rà soát để chỉ rõ những quy định mang tính chất đặc thù, cho phép áp dụng quy định khác so với các luật liên quan đối với phương thức đầu tư PPP ngay tại các điều, khoản của dự thảo luật.

Một trong những nội dung còn quan điểm khác nhau được nhiều đại biểu QH quan tâm liên quan hoạt động Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Một số ý kiến đại biểu QH thống nhất quy định KTNN chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP; một số ý kiến cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công cho nên KTNN phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân. Các ý kiến thảo luận bày tỏ đồng tình những cơ chế, chính sách pháp luật vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ công, đồng thời cần tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Hiến pháp và pháp luật về KTNN quy định KTNN chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng quy định của Hiến pháp và Luật KTNN. Ngoài ra, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, KTNN chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công. Nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài…

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải và một số đại biểu cho rằng, phải quy định cơ quan thẩm định dự án chịu trách nhiệm về dự án đó; và nếu quy định cơ quan kiểm toán vào từ giai đoạn này là trái với thông lệ. Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo luật cần phải đối chiếu với thông lệ quốc tế, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp không muốn làm dự án BOT. Với cách thức chưa thực hiện dự án đã thực hiện kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần nữa có thể gây phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp. Chủ tịch QH cho rằng, xây dựng luật này là vừa bảo đảm quy định chặt chẽ, nhưng đồng thời phải thu hút được nguồn lực khu vực tư nhân tham gia đầu tư cần được tính toán kỹ và làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều ý kiến trong Ủy ban TVQH đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo luật, chú ý tổ chức đánh giá tác động, lấy ý kiến các chủ thể liên quan, tham khảo ý kiến doanh nghiệp, hoàn thiện nội dung để trình QH thảo luận, quyết định.

Về quy định giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn tính khả thi, nhất là đối với các dự án lớn, phức tạp, và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ khi quy định nội dung này trong dự thảo luật.

Cuối buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều. Kết luận nội dung thảo luận các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban TVQH cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các loại hình thiên tai cho sát, đúng với tình hình thực tiễn. Trong điều kiện hiện nay, việc hình thành Quỹ PCTT là cần thiết, nhưng việc quản lý thu chi cần được quy định rõ ràng trong luật, trong đó việc thu phải bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quỹ mang tính chất vận động của các tổ chức xã hội để bảo đảm thống nhất một đầu mối; cân nhắc thành lập bộ phận chuyên trách ở địa phương, không làm tăng biên chế, bộ máy…

Trước đó, sáng qua, Ủy ban TVQH thảo luận, cho ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính; cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng T.Ư Đảng và Bộ Ngoại giao; về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43763302-thu-hut-von-tu-khu-vuc-tu-nhan-vao-cac-du-an-ppp.html