Thu hút đầu tư, hình thành chợ đầu mối nông sản
Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 130 chợ các loại. Trong khi đa số các chợ đang đối diện nhiều khó khăn vì tiểu thương phải cạnh tranh với phương thức bán hàng trực tuyến và các siêu thị, cửa hàng tiện ích thì hiện có nhiều chợ, điểm kinh doanh đang dần hình thành như một mô hình 'chợ đầu mối' nông sản, hoạt động khá hiệu quả.
Nhộn nhịp kinh doanh nông sản đêm
Hơn chục năm trước, tại ngã ba Đình Nẻo, thôn Chung, xã Liên Sơn (Tân Yên), một số gia đình thu mua gà thịt từ huyện Yên Thế và Tân Yên về tập kết tại nhà rồi bán buôn cho thương nhân mang đi tiêu thụ. Ban đầu, các hộ chỉ mua bán gà vào ban ngày, nhờ nguồn cung phong phú, chất lượng, địa điểm buôn bán thuận tiện nên sau thời gian ngắn, tại đây đã hình thành điểm kinh doanh sầm uất, nhất là vào ban đêm với đủ loại gia cầm, thủy cầm. Từ đó, người dân quen gọi khu vực này là “Chợ gia cầm ngã ba Đình Nẻo”.
Khi mới hình thành, khu vực này chỉ có vài hộ ở quanh khu vực giao cắt giữa quốc lộ (QL) 17 và đường tỉnh (ĐT) 298 tham gia thu mua và bán gia cầm, đến nay đã có khoảng 300 hộ tham gia. Các đại lý, cửa hàng kéo dài từ ngã ba Đình Nẻo xuống gần ngã tư Cao Xá, giáp thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). Dưới ánh đèn điện sáng trưng, hai bên đường dày đặc biển quảng cáo thương hiệu gà và số điện thoại của chủ đại lý.
Ông Giáp Văn Mạnh, thôn Chung, xã Liên Sơn cho biết, gia đình ông mở đại lý buôn bán gà tại ngã ba Đình Nẻo được 9 năm. Bình quân mỗi ngày ông xuất bán 1 tấn gà. Theo ông Mạnh, mỗi đêm, tại đây có hơn 50 xe tải lớn nhỏ và hàng chục xe máy đến giao và nhập hàng với khoảng 250 tấn gia cầm, thủy cầm được vận chuyển đi các tỉnh, TP như: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… tiêu thụ. Tổng lượng hàng hóa ước tính hàng chục tỷ đồng. Từ điểm buôn bán nhỏ, ngã ba Đình Nẻo trở thành khu buôn bán thực phẩm đầu mối tập trung nổi tiếng, tạo thu nhập cho hàng trăm hộ kinh doanh.
Mặc dù chưa được công nhận là chợ đầu mối nhưng gần chục năm qua, chợ Mía, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đã trở thành điểm thu mua và cung ứng hoa quả lớn nhất tỉnh. Mỗi đêm phương tiện vận chuyển hoa quả nối đuôi từ khắp các địa phương trong tỉnh, trong nước và từ Trung Quốc, Thái Lan đến khu vực chợ Mía tiêu thụ hàng trăm tấn củ, quả. Đặc biệt, dịp mùng 1 Âm lịch và ngày rằm, lượng hoa quả tiêu thụ tại đây tăng gấp 3-4 lần ngày thường.
Ông Lương Ngọc Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, năm 2014 chợ Mía được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với hơn 80 ki ốt, tổng diện tích 7 nghìn m2. Do có vị trí thuận lợi, nằm trên trục giao thông huyết mạch, lại gần trung tâm TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các khu công nghiệp nên chỉ sau thời gian ngắn, từ mô hình chợ dân sinh, chợ Mía và khu vực lân cận dần chuyển thành mô hình chợ đầu mối với hàng trăm hộ tham gia buôn bán, thời gian kéo dài từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau.
Được biết, ngoài điểm bán gia cầm ngã ba Đình Nẻo và chợ Mía, hiện trên địa bàn tỉnh còn có một số chợ như: Chợ Nếnh, chợ Ninh Sơn (thị xã Việt Yên); điểm tập kết mua bán rau, củ quả trên đường Đàm Thận Huy (TP Bắc Giang),… cũng hoạt động theo mô hình đầu mối kinh doanh nông sản ban đêm. Các điểm kinh doanh này thu hút hàng nghìn người dân và tiểu thương đến bán và thu mua nông sản đi khắp nơi tiêu thụ, được chính quyền các địa phương đánh giá hoạt động hiệu quả, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, thúc đẩy phát triển giao thương.
Xây dựng mô hình chợ đầu mối
Được biết, toàn tỉnh hiện có 132 chợ, chủ yếu là chợ dân sinh, chưa có chợ nào được công nhận là chợ đầu mối (bởi không đủ các tiêu chí như: Quy mô diện tích, vị trí, cách thức quản lý chợ). Trong khi nhiều chợ như: Chợ nông sản, thị trấn Chũ (Lục Ngạn), chợ Cẩm Đàn, Hữu Sản (Sơn Động)… hoạt động thiếu hiệu quả do không cạnh tranh được với thương mại điện tử và các cửa hàng tiện ích, siêu thị thì chợ Mía, chợ Nếnh, điểm kinh doanh gia cầm ngã ba Đình Nẻo… trở thành điểm sáng trong hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, hiện các chợ, điểm bán đầu mối nông sản này đang nảy sinh một số bất cập dẫn đến nhiều nguy cơ như: Khó quản lý kinh doanh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) vì các điểm kinh doanh đều nằm trên các trục giao thông lớn. Đặc biệt, hiện các địa phương đều khó thu thuế của không ít hộ kinh doanh ban đêm ở khu vực ngoài các chợ.
Ông Ngô Tiến Đạt, cán bộ quản lý thuế khu vực xã Tân Mỹ thông tin, đơn vị mới thu được hơn 10 triệu đồng thuế/năm từ hơn chục ki ốt trong chợ Mía. Các ki ốt còn lại và hàng chục hộ kinh doanh ngoài chợ khác đơn vị chưa thu thuế được. Nguyên nhân là do chủ các ki ốt và những hộ này chỉ kinh doanh ban đêm nên cán bộ thuế không điều tra và có số liệu doanh thu, dẫn đến chưa thu được thuế từ các hộ này.
Theo Nghị định số 60 ngày 5/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, diện tích mặt bằng nền chợ tối thiểu là 8 nghìn m2 (đối với chợ cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn chợ đầu mối) và tối thiểu 10 nghìn m2 (đối với chợ đầu mối xây mới) không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.
Để khắc phục nguy cơ mất an ninh trật tự, ATGT, chống thất thu thuế và ô nhiễm môi trường, cùng với cử lực lượng hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự tại các chợ, điểm kinh doanh nêu trên, chính quyền các xã, phường liên quan đã nhiều lần vận động bà con vào chợ kinh doanh nhưng các hộ đều từ chối với lý do trong chợ chật chội, không có chỗ bốc dỡ hàng cho xe tải lớn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo đảm cho các chợ, điểm kinh doanh đi vào nền nếp, tránh thất thu thuế, vừa qua, TP Bắc Giang đã quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản tại xã Dĩnh Trì, dự kiến chuyển chợ Mía sang vị trí mới rộng hơn; huyện Tân Yên quy hoạch chợ đầu mối gia cầm tại thôn Chung; thị xã Việt Yên di chuyển điểm đầu mối bán rau quả ban đêm từ chợ Nếnh về chợ Ninh Sơn… Hiện các địa phương đang tích cực thu hút đầu tư, tương lai không xa, tỉnh Bắc Giang sẽ hình thành nhiều chợ đầu mối nông sản lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của người dân.
Thực tế hoạt động theo mô hình chợ, điểm kinh doanh đầu mối nông sản nêu trên là cơ sở để các chủ thể quản lý chợ trung tâm cấp huyện có cách nhìn mới về hoạt động của chợ dân sinh, tạo động lực cạnh tranh với xu hướng mua hàng hóa trực tuyến đang phát triển hiện nay.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thu-hut-dau-tu-hinh-thanh-cho-dau-moi-nong-san-151643.bbg