Thót tim níu dây, chèo thuyền đưa học sinh qua sông
Chứng kiến cảnh người lái thuyền néo sợi dây thừng đưa người qua dòng sông Ngàn Sâu nước cuồn cuộn chảy không khỏi thót tim.
Con sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mùa mưa nước đục ngầu cuồn cuộn chảy nhưng thuyền bè vẫn phải qua lại giao thương.
Hương Thủy là xã vùng lũ của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có 9 xóm với hơn 4.000 nhân khẩu. Khúc sông Ngàn Sâu chạy dọc chia cắt xóm 7 và 8 với hơn 300 hộ dân. Mỗi ngày, trên con sông này có hàng trăm người, trong đó có các em học sinh phải đi thuyền qua sông đi học.
Đã rất nhiều năm nay, để đến trường học và đi chợ giao thương về phía tây của xã thì học sinh, người dân hai xóm này phải chịu nguy hiểm đi thuyền qua sông Ngàn Sâu hoặc đi vòng hàng chục cây số mới đến nơi.
Và bến đò số 2 trên bờ sông Ngàn Sâu, nằm giữa xóm 7 và xóm 8 là nơi tập trung người và phương tiện lên thuyền để qua con sông rất nguy hiểm. Người ngồi trên thuyền thót tim phó mặc mạng sống của mình cho người chèo đò…
Em Nguyễn Thị Nhung, học sinh lớp 5A trường Tiểu học Hương Thủy cho biết: Mỗi ngày em phải đi đò qua sông tới trường ít nhất 2 lần, trời nắng còn đỡ, mùa mưa nước sông Ngàn Sâu chảy xiết, đò ra giữa sông bị cuốn quay vòng sợ lắm. Nhiều hôm, cặp và sách vở ướt nhũn vì bị rơi xuống sông khi chen nhau lên đò qua sông cho kịp giờ học.
Con đò gỗ cũ kỹ có chiều dài khoảng 5 m, rộng khoảng 1,5 m, phía cuối đò được gắn mấy cọc gỗ để phủ tấm bạt che mưa tạm bợ.
Ông Trần Văn Thường, 70 tuổi, cho biết từ bao đời nay, cư dân 2 xóm 7 và 8 này đi làm đồng hay có công việc phải ra ủy ban xã đều phải qua đò. Người lớn sống ở đây hàng chục năm nay đã quen với việc chèo đò qua sông, hay đưa cả xe máy lên đò để đưa sang bờ bên kia đi tiếp. Tuy nhiên, việc khó khăn và nguy hiểm vẫn là chuyện đi học của con em trong xóm.
Theo người dân địa phương cho biết, những cư dân bên kia sông trước đây thuộc ba xóm 11, 12, và 13, sau đó sáp nhập lại thành xóm 7 và 8. Cả 2 xóm có khoảng 300 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu. Trước đây, con em trong hai xóm này học cấp 1 và cấp 2 đều phải đi đò để sang sông đến trường, nhưng mới đây hầu hết học sinh cấp 2 đều xin chuyển về trường bên xã Hương Giang nên không phải qua đò nữa. Còn học sinh tiểu học thì hằng ngày vẫn phải qua đò để tới trường.
Khi cho thuyền qua sông, người chèo đò níu theo sợi dây thừng buộc qua hai bờ sông để kéo cho đò di chuyển theo dây mà không cần chèo.
Được biết, hiện nay do không có kinh phí thuê người chèo đò cố định nên cả xóm thống nhất phương án người lớn thay nhau chèo đò, mỗi người chèo một ngày. Sự phân công này tính theo số nhân khẩu mỗi hộ, hộ có bao nhiêu người thì phải chèo đò từng đó ngày. Các phụ huynh phải gửi gắm tính mạng con mình cho người chèo đò theo phiên. Có một số phụ huynh sợ đi đò qua sông nguy hiểm nên phải chở con đi học bằng đường vòng qua xã Hương Giang xa hơn 13 km.
Về thông tin này, ông Nguyễn Văn Phú, Bí thư Đảng ủy xã Hương Thủy cho biết, trước đây có 3 bến đò ngang ở xóm 7 và xóm 8, nhưng trận lũ vừa rồi làm hỏng bến số 1, hiện tại còn 2 bến hoạt động. Ở bến đò số 3 thì có người do xã thuê chèo đò cố định, còn bến số 2 thì do không có kinh phí nên xã đồng tình với phương án của xóm là đóng góp ngày công chèo đò.
Do không có kinh phí thuê người chèo đò cố định nên cả xóm thống nhất phương án người lớn thay nhau chèo đò, mỗi người chèo một ngày.
Cũng theo lãnh đạo xã Hương Thủy thông tin thì các con đò này hoạt động không thể đảm bảo các yêu cầu về an toàn phương tiện đường thủy. Phao thì xã cấp đầy đủ nhưng có một số người chèo đò sợ vướng víu và cản trở nên họ cất bớt đi. Nếu cấm đò này thì càng nguy hiểm hơn, người dân tự mang đò nhỏ ra chèo, càng không đảm bảo an toàn...
Được biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện một số dự án cấp bách của địa phương, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phân bổ nguồn này để hỗ trợ xây chiếc cầu qua sông cho xã Hương Thủy. Tuy nhiên việc thực hiện xây cầu này đang trong giai đoạn khảo sát và chọn địa điểm. Hàng ngày trên khúc sông này vẫn có cảnh hàng trăm người nín thở qua sông bằng thuyền!