Thông qua Đề án 26 nghìn tỷ nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn

HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Đề án Nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô. Dự kiến, kinh phí triển khai Đề án hơn 26 nghìn tỷ đồng, được thực hiện qua 2 giai đoạn.

Sáng 2/7, tại kỳ họp 17, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trước đó, tại phiên họp ngày 1/7, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã trình bày tờ trình xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án trên.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, những năm vừa qua, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố đã có nhiều nét chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế. Ví như, vẫn còn những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; Tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm PCCC còn chậm.

Trên cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển Thủ đô, Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và được thực hiện qua 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030.

Về kinh phí thực hiện, dự kiến kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Đề án (cả 2 giai đoạn) khoảng 26.341,45 tỷ đồng.

Hiện trường vụ cháy tại phường Định Công làm 4 người tử vong

Hiện trường vụ cháy tại phường Định Công làm 4 người tử vong

Đề án này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi thời gian gần đây, trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ. Đặc biệt, vụ cháy ở ngôi nhà trong ngõ Trung Kính (quận Cầu Giấy) làm 14 người chết và mới đây là vụ cháy trên địa bàn phường Định Công (quận Hoàng Mai) làm 4 người chết.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 1/7, Đại biểu Vũ Thị Bích Hiền (Tổ đại biểu huyện Sóc Sơn) cho rằng, Đề án đã thể phân tích điểm mạnh, yếu, nguyên nhân và biện pháp về PCCC trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, điều đại biểu Bích Hiền lo ngại chính là ý thức PCCC của người dân còn hạn chế.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Anh Tuấn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh) cho rằng, Đề án thì rất tốt nhưng cần có sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, phải được sự đồng thuận của nhân dân, phải gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân với công tác PCCC. “Nếu cảnh giác, ý thức PCCC cao thì người dân quan tâm rà soát hệ thống điện trước khi ra ngoài, đi ngủ, như thế sẽ hạn chế được nguy cơ cháy nổ, ông Tuấn bày tỏ.

Báo cáo Thẩm tra Đề án, ông Duy Hoàng Dương, Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP. Hà Nội) cơ bản đồng ý với những nội dung UBND thành phố đề xuất.

Ban Pháp chế đề nghị UBND thành phố rà soát, cập nhật những nội dung liên quan trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Đặc biệt là các nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng PCCC (mục 2.4 của phần II) trong dự thảo Đề án, đảm bảo tuân thủ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng PCCC của địa phương theo các Quy hoạch và các cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội liên quan đến công tác PCCC được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, rà soát, cập nhật bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC&CNCH mới được ban hành.

Ban Pháp chế cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách có tính đột phá thuộc thẩm quyền, ưu tiên những giải pháp mang tính khả thi để khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong công tác PCCC&CNCH thời gian qua. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH của thành phố.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thong-qua-de-an-26-nghin-ty-nang-cao-nang-luc-phong-chay-chua-chay-cuu-nan-post1651373.tpo