Thông hầm Tam Điệp qua núi, nối cao tốc giữa Ninh Bình và Thanh Hóa

Sau hơn 1 năm nổ mìn, khoan núi, đơn vị thi công dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa vừa hoàn thành các hạng mục thông hầm và thảm nền để phục vụ xe công trường qua hầm Tam Điệp. Hầm Tam Điệp là hạng mục nối liền đường cao tốc quốc gia giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa trên hành trình từ Hà Nội vào phía Nam.

Dự án cao tốc Quốc gia đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – QL45 (Thanh Hóa) có tổng chiều dài hơn 63 km được khởi công tháng 11/2020. Dự án có tiến độ hoàn thành vào tháng 12/2022. Báo cáo tiến độ này với Chính phủ tuần qua, đại diện Bộ GTVT cam kết được đảm bảo.

Hạng mục hầm Tam Điệp thuộc gói thầu số 10 XL - dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – QL45 (Thanh Hóa). Gói thầu do nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải thi công, quản lý dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT.

Để không phải “nắn” đường cao tốc khi chạy đến khu vực giáp ranh giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, rút ngắn hành trình Hà Nội – QL45 (Thanh Hóa), dự án có hạng mục thi công khoan núi để làm 2 đường hầm trên cả hai chiều xe chạy. Vị trí thực hiện khoan hầm qua núi ở cửa phía Bắc là địa phận thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, cửa phía Nam là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, sau hơn 1 năm thi công theo hình thức nổ mìn, khoan núi... đơn vị thi công dự án đã hoàn thành hai ống hầm chạy song song qua núi với tên gọi là hầm Tam Điệp.

Ảnh chụp cửa hầm phía Nam và đường dẫn là nằm trên cánh đồng dứa tại một nông trường ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

Bên trong mỗi đường hầm có chiều dài 245 mét, chiều rộng mặt cắt ngang 14 mét - tương đương 3 làn xe ô tô. 2 ống hầm nằm độc lập, chạy song song, cách nhau khoảng 50 mét.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT – phụ trách quản lý dự án tại gói thầu số 10XL (ảnh) cho biết, sau khi khoan núi xong, hầm Tam Điệp được hình thành từ việc lắp ghép các đốt hầm đúc từ bên ngoài. Việc này vừa giúp thi công nhanh, nhân công máy móc được huy động đến công trường không phải “nằm” chờ đợi.

Cận cảnh một phần vỏ đốt hầm và hệ thống đường tuynel kỹ thuật kèm theo trong hầm.

Bãi đúc vỏ được đơn vị thi công và nhà thầu bố trí ngay cạnh công trường khoan hầm Tam Điệp.

Sau khi lắp đặt xong các đốt hầm, hiện 2 hai bên đường hầm đơn vị thi công đã thảm xong lớp bê tông cấp khối, đảm bảo cho việc xe công trường qua lại phục vụ dự án thông suốt.

Trong 2 ngày qua, công việc thi công đang được nhà thầu tập trung thực là thảm mặt đường cao tốc dẫn vào hầm.

Trao đổi với PV Tiền Phong tại hiện trường hầm Tam Điệp ngày 18/3, ông Nguyễn Lương Công, Tập đoàn Sơn Hải (nhà thầu) cho biết, hiện hạng mục hầm Tam Điệp đã thi công xong cơ bản, các đốt hầm ở hai bên đã được lắp đặt hoàn thiện, đơn vị cũng đã thảm xong lớp bê tông cấp khối đá dăm. Việc này giúp thông hầm để phương tiện công trường qua lại, phục vụ thi công, hoàn thiện các hạng mục hai bên cửa hầm, trong đó có đường dẫn.

Về tiến độ hoàn thành hầm Tam Điệp, ông Công cho biết, tuy hầm đã cơ bản xong tuy nhiên, nhà thầu đang phải thi công gần 2 km đường cao tốc dẫn vào hầm nên dự kiến tháng 8/2022 sẽ xong toàn bộ việc thi công, bàn giao toàn bộ công trình cho chủ đầu tư. Tiến độ này giúp gói thầu hầm Tam Điệp vượt tiến độ so với thời gian yêu cầu 3 tháng.

Trọng Đảng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thong-ham-tam-diep-qua-nui-noi-cao-toc-giua-ninh-binh-va-thanh-hoa-post1424383.tpo