Thời gian như ngừng lại bên những khu tập thể cũ

Bên cạnh một Hà Nội vươn mình phát triển hiện đại, xen lẫn trong đó là những công trình kiến trúc Pháp cổ kính, cùng với những khu tập thể cũ, tạo nên một Hà Nội đa sắc, đa màu, giàu cảm xúc.

Những bức tường vàng rêu phong tạo nên nhiều cảm xúc và nét thơ cho các khu tập thể cũ tại Hà Nội. Ảnh: Hà Nội Group

Đến với Hà Nội, lang thang tìm về cảm xúc của những “ngõ nhỏ-phố nhỏ”, không chỉ khiến ta choáng ngợp trước diện mạo hiện đại sầm uất của những công trình tầm vóc, đồ sộ mà những khu tập thể cũ cũng để lại trong lòng người nhiều ấn tượng, như một nét riêng có, hoài niệm.

Nhắc đến tập thể cũ, người ta dễ liên tưởng đến các khu A6 Giảng Võ, Kim Liên, Nam Đồng, Thủy Lợi, Bách Khoa, hay Ngọc Khánh..., từng là biểu tượng của Hà Nội vào những năm tháng trước. Đặc trưng của các khu tập thể này là những dãy nhà được phủ một lớp màu sơn vàng, theo thời gian tạo nên sự rêu phong, cũ kỹ; với những khe cửa hoa ít ánh sáng cùng với hệ thống cầu thang bộ có lối đi hẹp. Những dãy tập thể có hình dáng và kiến trúc khá giống nhau, do diện tích sử dụng khiêm tốn nên phần lớn mọi người thường tận dụng khoảng không gian xung quanh làm chỗ đựng các đồ đạc, cây cảnh, bếp than tổ ong, bếp dầu,...

Cùng với những căn hộ bé xíu mà thật ấm áp của mỗi gia đình, với những ai từng gắn bó với khu tập thể cũ sẽ nhớ mãi những bức tường rêu phong, được vẽ thêm sự lãng mạn với những giỏ hoa được treo ngoài ban công, như một nét chấm phá, đầy mê hoặc của nơi này.

Tôi cũng lớn lên tại khu tập thể cũ của quân đội, trong ấn tượng và nỗi nhớ của tôi luôn tồn tại những khoảng không xinh đẹp, với những dãy nhà cũ kỹ màu vàng, những vạt nắng soi rọi, lấp lánh xuyên qua những khung cửa, lối đi chung của cầu thang bộ tạo nên những bức tường hoa tràn đầy ánh sáng…

Tôi nhớ những lúc không có cha mẹ ở nhà, cùng các bạn qua nhà nhau ăn cơm, chơi đùa ở cầu thang, chạy đuổi bắt, chơi chốn tìm, ngắm nhìn những tia nắng xuyên qua những tán cây, hay ô của sổ soi bóng xuống dãy hành lang trong ráng chiều vàng rực hay sáng mai hanh vàng, rực rỡ… Tất cả đều trộn vào ký ức để đến khi hiện ra vẫn nguyên vẹn như một bức tranh sơn dầu với những mảng sáng tối được pha trộn tuyệt đẹp.

Những dãy nhà màu vàng, được phủ rêu xanh xám đặc trưng được tô điểm bởi những giỏ hoa treo ngoài ban công, luôn lẩn khuất trong một góc tâm hồn khi ta nhớ về những ngày xưa cũ. Những chậu cây cũng mang một phần thiên nhiên, một góc quê nhà cho một đứa trẻ yêu thích thôn quê như tôi.

Tất cả những hình ảnh giản đơn thôi nhưng với những con người đã từng sống, yêu nơi này mới thấm thía và thêm trân trọng những ký ức, những kỷ niệm đẹp về khu tập thể cũ. Và đó cũng là ký ức rõ nét nhất trong tôi về một Hà Nội mộng mơ và nên thơ của những ngày xưa cũ.

Dù đã từng sống từ khi sinh ra, lớn lên, hay chỉ là trong một thời gian sống tại khu tập thể cũ, thì tất cả những thứ tưởng chừng như cũ kỹ ấy đều để lại trong lòng người nhiều cảm xúc; trở thành những kỷ niệm đẹp, thân thương, rất đặc trưng khi nhớ về nơi chốn mình đã từng sống và gắn bó. Để lại những cảm xúc tuyệt đẹp về một Hà Nội gắn liền với khu tập thể cũ. Cùng sự chảy trôi của thời gian, những khu tập thể này vẫn nghiên mình lặng lẽ và hoài cổ như chính những con người Hà Nội xưa. Khu tập thể trở thành nét đặc trưng văn hóa riêng của người Hà Nội.

Trong quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, với những khu chung cư, nhà cao tầng mọc lên như biểu tượng của sự phồn hoa, phát triển. Có đôi lúc, bất chợi ta lại nhung nhớ, yêu thích khung cảnh cổ kính mang hồn cốt rất Hà Nội mà không nơi nào có được... Vẫn còn đó những khu tập thể cũ như muốn níu kéo thời gian hãy ngừng lại trong những giây phút tươi đẹp đó.

Và như một quy luật tất yếu, một ngày nào đó khi những dãy tập thể cũ dần được thay thế bằng những công trình kiến trúc mới. Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người vẫn “thương nhớ” những dãy nhà cũ với những mảng màu rêu phong xưa cũ, nơi đã lưu giữ bao xúc cảm vẹn nguyên ký ức về một Hà Nội đầy mộng mơ, nên thơ!.

Thùy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thoi-gian-nhu-ngung-lai-ben-nhung-khu-tap-the-cu-367560.html