Thoát nghèo từ thay đổi nhận thức

Là huyện miền núi, dù xuất phát điểm thấp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhưng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, huyện Thanh Sơn đã từng bước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,39%; tỷ lệ lao động qua đào tạo truyền nghề đạt 55%. Qua đó, tạo động lực thoát nghèo trong nhân dân, nhất là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ nại của một bộ phận người dân.

Được vay vốn ngân hàng CSXH huyện, anh Nguyễn Thiên Nhiên, xã Tất Thắng để đầu tư trồng hơn 1.000 gốc bưởi, kết hợp nuôi cá giống, trồng rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Tất Thắng có 1.215 hộ, 4.993 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm 72%. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân nơi đây đang có nhiều đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng, các công trình như trường học, giao thông nông thôn được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Từ trung tâm huyện ngược theo quốc lộ 70B, chúng tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Thiên Nhiên ở khu 15 xã Tất Thắng. Năm 1986 gia đình anh từ vùng đất Sơn Thủy của huyện Thanh Thủy sang xã Tất Thắng để khai hoang làm kinh tế mới. Khi đó cuộc sống ở nơi này vô vàn khó khăn, vất vả. Nhưng rồi đất không phụ công người, gia đình anh Nhiên chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống cũng khấm khá hơn. Nhìn thấy cơ ngơi của gia đình anh Nhiên, mới thấy hết sự nỗ lực, vươn lên thoát nghèo. Anh chia sẻ: “Nếu mình có quyết tâm, nghị lực thì “sỏi đá cũng thành cơm”. Bản thân không tự cố gắng, không thoát khỏi ý nghĩ trông chờ ỷ nại thì rất khó để xóa đói, giảm nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng chính sách huyện, gia đình tôi được vay vốn để trồng hơn 1.000 gốc bưởi, kết hợp nuôi cá giống, trồng rừng. Đến nay tôi đã trả hết nợ ngân hàng, mỗi năm trừ chi phí thu gần 200 triệu đồng”.

Mô hình tổ hợp nuôi một vụ lúa, một vụ cá, kết hợp nuôi vịt đẻ trứng cho hiệu quả kinh tế cao của nhóm hộ gia đình anh Nguyễn Văn Long, khu 1, xã Tất Thắng.

Khu 15 trước đây là xóm Ấp, là khu vực toàn đồi núi rậm rạp. Từ khi Đảng, Nhà nước và huyện Thanh Sơn có chủ trương về khai hoang phát triển vùng kinh tế mới, huyện giao cho xã Tất Thắng tiếp nhận chủ trương và đón nhận 18 hộ gia đình người dân của xã Sơn Thủy sang đây sinh sống. Huyện thực hiện chính sách cấp đất, ruộng và diện tích đồi rừng để giúp người dân khi mới khai hoang. Từ những khó khăn khi sang vùng đất mới, người dân đã tìm tòi, học hỏi trồng cây, gây rừng và dần gây dựng cuộc sống. Đến năm 2021, khu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, công tác giảm nghèo của xã Sơn Hùng đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức để người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ nại. Để giúp người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên, trên cơ sở các chương trình, dự án hỗ trợ, xã đã thực hiện tốt các nhóm chính sách trợ giúp cho người nghèo, cận nghèo có các điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã thời gian qua đã đạt những kết quả tốt. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2-5%/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều đạt và vượt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,33% (năm 2016) xuống còn 8,39% (năm 2019) mức giảm bình quân trên 2,48%/năm. Để đạt kết quả này, công tác giảm nghèo của huyện trong các năm gần đây tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các đoàn thể đặc biệt quan tâm. Các dự án, chính sách, hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. Công tác truyền thông về giảm nghèo tích cực hơn, phù hợp với giai đoạn mới, giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đa phần người nghèo, hộ nghèo đã chuyển biến về nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đồng chí Phạm Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giai đoạn 2021-2025, huyện thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, hạn chế tái nghèo; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt trên 60%...; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, (cải thiện bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng…); phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huy động tối đa nguồn lực xã hội, bố trí hợp lý vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, có sự đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Có như vậy, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững mới đạt kế hoạch đề ra.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/thoat-ngheo-tu-thay-doi-nhan-thuc/186873.htm