Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ cứu Mỹ khỏi suy thoái?

Thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã xóa tan mọi lo lắng trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đang xuống dốc và lạm phát có thể sắp tăng mạnh.

Giá cả nhiều mặt hàng ở Mỹ nhiều khả năng sẽ gia tăng vì chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh minh họa: FT).

Giá cả nhiều mặt hàng ở Mỹ nhiều khả năng sẽ gia tăng vì chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh minh họa: FT).

Mỹ đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại với Trung Quốc vào đầu tuần trước. Nếu quá trình đàm phán kéo dài thêm một chút thì Stonemaier Games, nhà sản xuất các bộ trò chơi boardgame có trụ sở tại bang Missouri, có lẽ đã không kịp lên kế hoạch đặt hàng vào cuối năm với nhà cung cấp tại Thâm Quyến.

Tuy đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất, Stonemaier Games cho biết số hàng họ đặt để bán vào Giáng sinh vẫn “thấp hơn nhiều mức bình thường”, vì họ lo ngại tính thất thường của chính sách thuế quan. Trước đó, Stonemaier Games và 10 doanh nghiệp nhỏ đã đâm đơn kiện để phản đối thuế quan của ông Trump.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ không còn chút lo ngại nào. Tờ Financial Times (FT) cho biết chỉ số S&P 500 đã lấy lại gần hết mọi mất mát kể từ ngày 2/4, khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thực, người dân bình thường và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sẽ gặp không ít khó khăn vì thuế quan.

Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng ít hơn dự kiến, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán giá hàng hóa sẽ sớm đi lên. Và căng thẳng thương mại vẫn chưa chấm dứt, bởi Mỹ - Trung mới chỉ đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời trong 90 ngày. Không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra sau khi giai đoạn này kết thúc.

Động thái hòa hoãn với Trung Quốc đã giúp rủi ro nền kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng giảm xuống. Tuy nhiên, cách ông Trump xử lý thương chiến có thể sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên phần còn lại của năm 2025, cắt đứt đà tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ trong nhiều năm qua và làm dấy lên nguy cơ lạm phát đình trệ.

Ông Jason Furman, nhà kinh tế thuộc Đại học Harvard, nhận định: “Thỏa thuận Mỹ - Trung đã khắc phục một phần đáng kể thiệt hại từ thương chiến. Nhưng Mỹ vẫn sẽ chứng kiến lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Và chúng ta vẫn chưa biết cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào”.

Thiệt hại lâu dài

Trong giai đoạn đỉnh điểm của thương chiến, hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần như đóng băng. Khối lượng hàng vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ lao dốc trầm trọng, các nhà bán lẻ cảnh báo cảnh tượng các kệ hàng trống rỗng như thời COVID có thể quay trở lại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent bắt đầu hướng Nhà Trắng đến việc hòa hoãn thuế quan với Trung Quốc vào tháng trước. Nỗ lực của ông Bessent góp phần dẫn đến một thỏa thuận tạm thời, trong đó hai siêu cường kinh tế đồng ý cắt giảm thuế quan lên hàng hóa của nhau 115 điểm % trong 90 ngày.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn đang cảnh báo về thiệt hại lâu dài từ thuế quan. Thuế suất hiệu lực trung bình của Mỹ đang ở mức 17,8%, gấp hơn 7 lần mức 2,5% vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Bà Karen Daynan, nhà kinh tế tại Viện Peterson, chỉ ra: “Thuế quan Mỹ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn cao hơn nhiều mức trước khi ông Trump nhậm chức. Do đó, thuế quan vẫn đang gây áp lực đáng kể lên doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Nhiều doanh nghiệp đã tránh được tác động của thuế quan bằng cách đẩy mạnh nhập hàng tồn kho trước ngày 2/4, nhưng lợi thế đó được cho là sẽ tan biến nhanh chóng.

Ông Doug McMillon, CEO nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart, cảnh báo: “Thuế quan đã giảm nhưng vẫn cao hơn so với mức thường thấy những năm qua. Điều đó sẽ khiến giá cả đi lên”.

Viện Ngân sách Yale tính toán rằng trung bình mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ phải trả thêm 2.800 USD cho cùng một rổ hàng hóa mà họ mua năm ngoái nếu thuế quan vẫn duy trì ở mức hiện nay. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Niềm tin xuống dốc

Các dữ liệu kinh tế chính thức cho tới nay phản ánh rất ít thiệt hại từ thuế quan. Nhưng các cuộc khảo sát cho thấy tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng đang khá bi quan. Vào tháng 5, thước đo tâm lý được đông đảo người theo dõi của Đại học Michigan rơi xuống mức thấp thức hai trong lịch sử.

Bà Misty Skolnick, đồng sở hữu một tiệm bánh nhỏ có tên Uncle Jerry’s Pretzels tại Pennsylvania, cho biết doanh thu cửa hàng đã giảm kể từ khi sự hỗn loạn của chính sách thuế đối ứng gây “hiệu ứng lan tỏa” khắp nền kinh tế.

Bà giải thích: “Mọi người không chắc điều gì đang diễn ra. Điều họ quan tâm nhất vào lúc này không phải là mua bánh pretzel làm thủ công”.

Nhiều nhà kinh tế vẫn dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng yếu ớt trong năm nay. Ông Nikolay Markov, chuyên gia tại Pictet Asset Management, nhận xét: “Tác động của thuế quan lên tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng rất tiêu cực, ảnh hưởng đến các quyết định về chi tiêu và đầu tư trong những tháng tới”.

Ông vẫn dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2025 sẽ vào khoảng 1,1% - giống như ước tính trước khi Mỹ - Trung đình chiến thương mại. Để so sánh, trong năm 2024, Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2,8%.

Thông thường, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất khi nền kinh tế sa sút. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp và người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát tương lai sẽ gia tăng, các quan chức có thể sẽ không an tâm thực hiện phương án này.

Vào ngày 14/5, Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson dự đoán thuế quan sẽ thúc đẩy áp lực giá đi lên nếu chúng được duy trì. Vị quan chức cũng tiết lộ ông đã “hạ thấp kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế” trong năm nay.

Cú sốc giá kéo dài bao lâu cũng sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có khả năng chuyển phần chi phí gia tăng sang phía người tiêu dùng hay không.

Báo cáo CPI tháng 4 cho thấy dấu hiệu các khoản tiêu dùng tùy ý đã sụt giảm. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách của ông Trump có thể đã bắt đầu đè nặng lên nhu cầu. Giá vé máy bay và giá phòng nghỉ khách sạn đi xuống rõ rệt, giá vé các sự kiện thể thao sụt hơn 12% so với tháng liền trước.

Ông Vance Sine, nhà quản lý tại công ty bán lẻ California Electric Supply ở bang California, dự đoán ông sẽ buộc phải tăng giá do áp lực từ các nhà cung ứng. Ông giải thích: “Tất cả mọi người đều tăng giá nên các nhà cung ứng của tôi cũng vậy”.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Giang

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thoa-thuan-thuong-mai-voi-trung-quoc-se-cuu-my-khoi-suy-thoai.html