Thỏa thuận hòa bình ở CH Trung Phi bị đe dọa

Thỏa thuận hòa bình được ký mới đây tại Cộng hòa (CH) Trung Phi đang bị đe dọa nghiêm trọng, sau khi nhiều nhóm vũ trang lên tiếng rút khỏi văn kiện này, hoặc không công nhận sự thay đổi của chính quyền mới.

Đại diện các bên ở Cộng hòa Trung Phi sau khi đàm phán ký thỏa thuận hòa bình.

Nhằm tránh thỏa thuận đổ vỡ, Liên hợp quốc (LHQ) tích cực kêu gọi thế giới cùng hành động, hỗ trợ thực thi hiệu quả thỏa thuận.

Sau quá trình đàm phán nhằm chấm dứt nhiều năm giao chiến khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại CH Trung Phi, đầu tháng 2 vừa qua, tại thủ đô Bangui, đại diện Chính phủ CH Trung Phi và lãnh đạo 14 nhóm vũ trang đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ quốc gia châu Phi này ký thành công thỏa thuận hòa bình. Đây được đánh giá là một “bước đi” tích cực, một “lối thoát” hòa bình cho tất cả người dân CH Trung Phi. Trước đó, thỏa thuận được đàm phán tại thủ đô Khartoum của Sudan, dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU) và LHQ.

Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại CH Trung Phi (MINUSCA) cho biết, Ủy viên của AU về hòa bình và an ninh S.Chergui đánh giá cao sự hợp tác tích cực của các bên tại cuộc đàm phán; khẳng định, ngày ký kết thỏa thuận là thời khắc tuyệt vời đối với tất cả người dân CH Trung Phi. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ CH Trung Phi F.Ngrebada nhấn mạnh, sự ủng hộ của người dân nước này đối với thỏa thuận sẽ giúp CH Trung Phi bắt tay vào con đường hòa hợp và phát triển.

Thực tế, trong quá trình thực thi thỏa thuận, không ít mâu thuẫn xảy ra giữa các nhóm dân quân và Chính phủ CH Trung Phi. Trong một phát biểu mới đây, Liên minh vì hòa bình tại CH Trung Phi (UPC), một trong những nhóm vũ trang do ông A.Đa-rát-xa lãnh đạo cho biết, thỏa thuận đang bị “đe dọa” nếu Chính phủ không thay đổi lập trường một cách rõ ràng. Trong khi đó, nhóm Mặt trận dân chủ nhân dân CH Trung Phi (FPDC) tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận để phản đối, với lý do Chính phủ không thực thi các điều khoản đã ký kết. Một số nhóm vũ trang cũng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì bất bình với danh sách các Bộ trưởng trong Chính phủ mới.

Phản ứng trước những đòi hỏi của các nhóm dân quân, Thủ tướng CH Trung Phi F.Ngrebada ngay lập tức lên tiếng chỉ trích những yêu sách “quá đáng” của các nhóm vũ trang, đồng thời cam kết Chính phủ tuân thủ các quy định ghi trong thỏa thuận. Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ mới chỉ có 36 thành viên, do đó không thể thực hiện yêu cầu về việc mỗi nhóm có năm đại diện trong Chính phủ.

Có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, song CH Trung Phi vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới. Kinh tế của quốc gia châu Phi này bị tàn phá nghiêm trọng sau cuộc nội chiến năm 2013, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa để tránh bạo lực. Các nhóm phiến quân hiện kiểm soát đến 80% diện tích đất nước, bất chấp sự hiện diện của 12 nghìn binh lính MINUSCA. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), năm 2019, khoảng 2,9 triệu người, chiếm hơn 63% số dân CH Trung Phi cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo.

Trong bối cảnh người dân CH Trung Phi cần hòa bình và ổn định để thoát nghèo, LHQ tích cực kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế góp phần thúc đẩy thực thi thỏa thuận hòa bình mới đạt được ở CH Trung Phi. Mới đây, ông G.La-croa, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động hòa bình đã kêu gọi thế giới cùng chung tay hành động, nhằm đem lại kết quả thiết thực trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình giữa các bên tại CH Trung Phi.

Thể Trần

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/39545102-thoa-thuan-hoa-binh-o-ch-trung-phi-bi-de-doa.html